Dầu nhờn dùng cho động cơ, máy móc không những không giảm giá theo dầu thô thế giới mà thậm chí còn tăng giá!
Các doanh nghiệp lý giải về điều này như thế nào?
|
Khách hàng thay nhớt xe máy loại Racer SJ 1 lít giá 60.000 đồng/hộp - Ảnh: H.T.V |
Nhiều công ty kinh doanh dầu nhờn giải thích việc chưa giảm giá là hàng cũ còn tồn kho, cần có độ trễ nhất định so với dầu thô. Thế nhưng tổng giám đốc một công ty kinh doanh dầu nhờn trong nước - người có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực này - cho rằng lý do này không thuyết phục. “Dầu nhờn dùng cho sản xuất có thể mức tiêu thụ giảm nhưng dầu nhờn dùng cho động cơ thì làm ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Kho của công ty lớn cỡ nào đi nữa cũng không thể tồn đến hai tháng được” - vị tổng giám đốc này nói. Theo ông, không chịu giảm giá cho người tiêu dùng là quá bất hợp lý.
Thế giới giảm mạnh
Bảng báo giá dầu gốc trên các thị trường Singapore, Saudi Arabia, Nhật Bản, châu Âu… cho thấy giá các loại dầu gốc để pha chế dầu nhờn như SN150, SN500 đã giảm mạnh kể từ tháng chín đến nay. Hồi tháng chín, các loại dầu này dao động từ 1.300-1.400 USD/tấn (lấy số chẵn) nhưng cuối tháng mười một chỉ còn xấp xỉ 900 USD/tấn. Theo baseoilreport.com, các loại dầu gốc N-60/70 của Hàn Quốc đã giảm gần 200 USD còn 890-910 USD/tấn. Các loại dầu gốc J150 và J500 của Singapore giảm gần 300 USD, còn 885-905 USD/tấn. Theo ý kiến của một chuyên gia, mức giá này đã giảm khoảng một nửa so với thời kỳ giá dầu thô tăng lên trên 140 USD/thùng hồi cuối tháng bảy.
Trong khi đó tại TP.HCM, các đại lý trên đường Trần Huy Liệu, Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) hay đại lý trên đường Nguyễn Trãi (Q.1)… đều xác nhận giá dầu nhờn trong mấy tháng vừa qua chưa hề giảm, thậm chí hồi tháng mười một còn tăng thêm 3.000-4.000 đồng/lít. Nhân viên một cửa hiệu bán xe Piaggio trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) nói bình dầu nhờn 1 lít hiệu Mobil dùng cho loại xe Scooter vừa được chào giá 245.000 đồng, tăng 30.000 đồng!
Nhãn nước ngoài thống lĩnh
|
Giá nhớt Petrolimex được niêm yết trong tủ bán - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Hiện nay, ở khu vực phía Nam có trên 30 công ty nhập khẩu dầu gốc về pha trộn, gồm cả những tên tuổi lớn của thế giới như BP, Castrol, Exxon Mobil, Shell, Caltex, Total… Đối với dầu nhờn dành cho động cơ, các nhãn hiệu nước ngoài chiếm khoảng 75% thị phần; dầu nhờn dành cho máy móc dùng trong các nhà xưởng, nhãn nước ngoài thống lĩnh đến 90%. Một số nhãn hiệu của các công ty trong nước như Petrolimex, Vilube, Solube, S-lube, T-lube... không những chiếm thị phần nhỏ mà về giá cũng đứng ở “vai dưới”: giá một bình dầu nhờn của các nhãn nước ngoài thấp nhất trên 50.000 đồng, còn giá của các nhãn trong nước từ 35.000-47.000 đồng.
Điểm chung nhất của tất cả các công ty kinh doanh dầu nhờn là nhập khẩu dầu gốc và phụ gia về rồi pha trộn, đóng gói. Điểm quyết định chất lượng dầu nhờn là loại dầu gốc mà các công ty dùng để pha trộn. “Thấp nhất là loại dầu tái chế, trên một chút là dầu không có thứ hạng và cao hơn là dầu có đẳng cấp, được phân loại thành nhóm I, II, III…” - một chuyên gia nói.
Nói về chất lượng, chuyên gia này phân tích tiếp: “Đối với các loại xe máy chẳng hạn, người nào tinh ý sẽ thấy máy xe mau nóng, kêu to hơn khi đổ loại dầu nhờn chất lượng thấp. Đối với những loại máy móc, thiết bị trong xưởng sản xuất, người ta dễ dàng nhận ra hơn vì người sử dụng là kỹ sư, sử dụng qua một thời gian ngắn là biết ngay”.
Đại diện Hãng Shell tại VN cho rằng: “Dầu gốc không liên quan trực tiếp đến giá dầu thô, thường phải cần một khoảng thời gian nhất định sau khi giá dầu thô tăng hoặc giảm. Giá dầu gốc cũng không giảm tương ứng mức giảm của dầu thô”. Tuy nhiên, một chuyên gia cho rằng giá dầu gốc thường tăng hoặc giảm sau dầu thô khoảng một tháng. “Điều đó có nghĩa lẽ ra giá bán lẻ dầu nhờn trong nước phải giảm chậm nhất là từ tháng mười một” - chuyên gia này nhận xét.
(Tuổi trẻ)