Châu Âu đang bị tàn phá bởi một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có, và nó có thể đang lan rộng. Châu Á, khu vực mua khí đốt và than đá lớn nhất thế giới, có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo, khi Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương do quy mô của nền kinh tế nước này.
Có lẽ hơi ngạc nhiên, vấn đề lớn đối với Trung Quốc không phải là khí đốt tự nhiên. Mà đó là than đá, nhiên liệu cung cấp năng lượng cho phần lớn các nhà máy điện của họ, Bloomberg đưa tin trong tuần này, trích dẫn nguồn từ hãng tin nhà nước China Energy News.
Theo một báo cáo trên tờ này, các công ty điều hành nhà máy điện Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc mua đủ than để duy trì hoạt động cho các cơ sở của họ, điều này làm tăng khả năng xảy ra tình trạng khủng hoảng năng lượng khi mùa đông đến. Tồn kho thấp do giá than tăng cao trong năm nay và một số nhà máy điện đã phải tắt lò hơi để tiết kiệm chi phí.
Có vẻ như cũng giống như cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu, cuộc khủng hoảng này đã diễn ra trong nhiều năm. Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có lẽ không phải là điều ngạc nhiên do châu Âu quyết định chuyển hướng thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và hậu quả là sự thiếu đầu tư vào sản xuất khí đốt trong khu vực, khiến lục địa này gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng.
Tương tự, Trung Quốc - cùng với Ấn Độ - cũng sắp trở thành nạn nhân của việc thiếu đầu tư vào than đá. Nhiên liệu hóa thạch bẩn nhất và mục tiêu của nhiều hoạt động chuyển đổi năng lượng đã không còn được các nhà đầu tư ưa chuộng khi họ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào năng lượng tái tạo khiến giá than tăng vọt trong năm nay hẳn là một cú sốc.
Như Nikkei Asia đã báo cáo vào đầu tháng này, giá than chuẩn được giao dịch ở mức 177,50 USD/tấn vào ngày 10 tháng 9. Mức giá này tăng gấp hai lần kể từ đầu năm và thậm chí còn tăng nhiều hơn so với mức 50 USD/tấn mà than chuẩn đang giao dịch ở mức 1 năm trước đó.
Shirley Zhang, nhà phân tích chính tại Wood Mackenzie, nói với Nikkei Asia: “Những gì chúng ta đang thấy là một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà đầu tư, nhà tài chính cũng như các công ty. Bất chấp nỗ lực đưa toàn khu vực vào một tương lai sạch hơn, bạn vẫn cần than trong 10 năm tới."
Quả thực, có một tình thế tiến thoái lưỡng nan, và đó là giữa quá trình chuyển đổi xanh và an ninh năng lượng. Việc giá than và khí đốt tăng đang chứng minh rằng quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ không suôn sẻ và dễ dàng, và sự quyết đoán của chính phủ đối với các mục tiêu không phát thải ròng sẽ không đủ để thực hiện nó. Nhưng có nhiều tác động tức thời hơn về một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc. Nó sẽ lan ra toàn cầu.
Tại Vương quốc Anh, các ngành công nghiệp đã và đang cảm thấy bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt và điện tăng cao. Có những đồn đoán về việc mất điện, mặc dù Bộ trưởng Năng lượng Kwasi Kwarteng đã đảm bảo với công chúng rằng điều này sẽ không xảy ra. Nhưng nếu các ngành đang gặp khó khăn, điều đó không tốt cho lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Và Trung Quốc, một nền kinh tế được kiểm soát tập trung hơn nhiều so với Anh, về cơ bản cũng không khác mấy. Nếu giá điện tăng, giá của mọi thứ khác sẽ tăng, ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Điều tồi tệ hơn là nếu không có đủ than và khí đốt cho Trung Quốc, sẽ không có đủ khí đốt và than cho những nước khác cần nhập khẩu. Các quốc gia có sản xuất than và khí đốt tại chỗ sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng. Nhưng số còn lại, phải trả một cái giá cắt cổ cho năng lượng, sẽ thấy những tác động tương tự đối với tăng trưởng kinh tế của họ, cụ thể là khả năng suy thoái nghiêm trọng.
Người ta đã nói rất nhiều về khía cạnh phát thải của nhiên liệu hóa thạch. Cuộc khủng hoảng hiện tại đưa ra một góc độ khác: nhiên liệu hóa thạch có xu hướng trở nên đắt đỏ, đôi khi là rất đắt đỏ, khi nhu cầu vượt cung đáng kể. Trên thực tế, đây là một trong những lý lẽ thực tế mạnh mẽ ủng hộ năng lượng tái tạo: bạn có thể không có dự trữ khí đốt, nhưng đất nước nào cũng có nắng và gió. Năng lượng tái tạo rất tốt cho sự độc lập về năng lượng. Và cuộc khủng hoảng mới nhất ở châu Âu và nguy cơ xảy ra khủng hoảng ở Trung Quốc chỉ cho thấy rằng chúng ta không tiến gần tới sự độc lập năng lượng.
Và chúng ta có thể sẽ không bao giờ có được sự độc lập năng lượng.
Nguồn tin: xangdau.net