Khi những dấu hiệu đầu tiên của lạm phát bắt đầu lộ diện vào đầu năm nay, nó đã được hoan nghênh như một tín hiệu của sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau đó, xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng, và bây giờ cả hai đang đi vào một xu hướng đáng lo ngại. Tại Hoa Kỳ, Bộ Lao động đã ghi nhận mức tăng giá tiêu dùng nhanh nhất kể từ tháng 10 năm 1990. Con số này ở mức 6,2%, do giá xăng cao hơn trong số những hàng hóa khác.
Tại Trung Quốc, giá hàng hóa tại cổng nhà máy đã lên mức cao kỷ lục vào tháng trước do chi phí năng lượng tăng cao. Nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt năng lượng được cho là tồi tệ hơn châu Âu vào mùa thu năm nay, với nguồn cung quá eo hẹp dẫn đến việc đóng cửa và mất điện tại các nhà máy.
Còn tại châu Âu, truyền thông đang đưa tin Đức đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong ba thập kỷ vì giá năng lượng cao hơn. Tình hình cũng diễn ra tương tự tại nhiều nước ở châu Âu. Giá hàng hóa đang leo thang cùng với giá năng lượng, bất kể năng lượng này đến từ đâu.
“Giá năng lượng tăng cao gây rủi ro lạm phát toàn cầu trong ngắn hạn, và nếu cứ tiếp tục thì cũng có thể gây sức ép lên tăng trưởng của các nước đang nhập khẩu năng lượng”, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Giám đốc của Prospects Group thuộc Ngân hàng Thế giới, Ayhan Kose, cho biết, được Reuters dẫn lời. Nhóm này đưa ra Báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa của Ngân hàng Thế giới.
Quả thật, giá năng lượng luôn là động lực chính thúc đẩy giá tiêu dùng. Do đó, chúng cũng là một nhân tố thúc đẩy lạm phát. Nhưng lần này, tất cả đã khác. Lần này, nền kinh tế toàn cầu đang cố gắng khôi phục trở lại sau khi bị ảnh hưởng bởi các đợt phong tỏa nhằm đối phó với đại dịch coronavirus. Và nếu lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát, điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
"Lạm phát làm ảnh hưởng đến túi tiền của người dân Mỹ và việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi", Tổng thống Biden cho biết sau khi công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng hôm thứ Tư, được Bloomberg dẫn lời.
"Phần lớn nhất khiến giá tăng trong báo cáo này là do chi phí năng lượng cao", tổng thống tiếp tục và nói thêm, "Tôi đã chỉ đạo Hội đồng Kinh tế Quốc gia theo đuổi các biện pháp nhằm cố gắng giảm thiểu hơn nữa những chi phí này, và đã yêu cầu Ủy ban Thương mại Liên bang đẩy lùi bất kỳ hành vi thao túng thị trường nào lợi dụng nâng giá trong lĩnh vực này. "
Lạm phát, mà Fed ban đầu chỉ cho là "nhất thời", đang trở thành một vấn đề thực sự gây đau đầu không chỉ cho Hoa Kỳ mà còn cho phần lớn thế giới, và nó có thể đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Tất nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để giảm bớt chi phí năng lượng.
Thông thường, nếu giá cả đạt đến mức đáng lo ngại, OPEC sẽ can thiệp và tăng cường sản xuất. Tuy nhiên, lần này, OPEC và các đối tác đồng minh vẫn tiếp tục duy trì nguồn cung hạn chế của mình để làm bằng chứng cho niềm tin rằng động lực phục hồi mạnh hơn nỗi lo lạm phát, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
Do đó, câu hỏi thực sự là liệu OPEC+ sẽ tiếp tục chính sách tăng sản lượng hạn chế trong bao lâu, nhất là khi những nước tiêu thụ dầu lớn bày tỏ sự không hài lòng với chính sách này và một số nước, chẳng hạn như Trung Quốc vào tháng trước, đang mua ít dầu hơn do tăng cao.
Theo các nhà phân tích từ các ngân hàng đầu tư và Ngân hàng Thế giới, nguồn cung dầu sẽ tăng đáng kể hơn trong năm tới, và đà tăng giá năng lượng sẽ yếu đi, ít nhất là đối với nhiên liệu hóa thạch. Trong năng lượng tái tạo, giá cũng cao hơn do các vấn đề chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, và có vẻ như đại dịch được cho là sẽ còn kéo dài qua năm 2022. Nói cách khác, lạm phát sẽ vẫn là một quan ngại nghiêm trọng, nhất là khi ngân hàng trung ương các nước hướng tới chính sách thu hẹp gói kích thích. Vẫn chưa rõ nó sẽ trở nên nghiêm trọng như thế nào, nhưng một lần nữa, nó sẽ phụ thuộc vào nguồn cung dầu.
Nguồn tin: xangdau.net