Mùa đông cuối năm 2022 đầu năm 2023, châu Âu đã gặp vận may. Các kho chứa khí đốt đã đầy hơn bình thường do nỗ lực mua LNG khổng lồ mà EU thực hiện nhằm đảm bảo khí đốt cho mùa đông, nhưng mùa đông này hóa ra lại ấm hơn bình thường.
Mặc dù một phần lớn thành công của châu Âu trong việc vượt qua được mùa đông tương đối bình yên bất chấp nguồn cung khí đốt của Nga đã cạn kiệt, nhưng may mắn không phải là tất cả. Châu Âu đã làm điều đó bởi vì họ có tiền để trả mức giá như vậy cho LNG trên thị trường giao ngay, điều này khiến nhiều quốc gia khác không thể mua được nhiên liệu này, đặc biệt là Pakistan và Bangladesh. Và bây giờ EU phải làm điều này lại từ đầu.
Nhà phân tích cấp cao Jacob Mandel của Aurora Energy Research nói với Reuters trong tuần này: “Chúng tôi không nghĩ đến việc lấp đầy kho chứa với mức giá tốn kém vào mùa hè tới như đã từng làm vào năm ngoái”. Ông nói thêm: “Điều đó có nghĩa các công ty vốn dựa vào nguồn cung giao ngay để lấp đầy kho chứa, thay vì phòng ngừa rủi ro tăng giá trong tương lai, sẽ có nguy cơ phải trả chi phí cao tương tự như mùa hè năm ngoái”.
Mùa hè năm ngoái, vào tháng 8, giá khí đốt trên thị trường châu Âu lên tới 340 euro mỗi megawatt giờ, tức là cao hơn 360 đô la. Để ngăn điều này lặp lại, Liên minh Châu Âu đã thông qua cơ chế trần giá được kích hoạt khi giá khí đốt lên tới 180 euro mỗi MWh, tương đương 190 USD.
Khối cũng có kế hoạch mua khí đốt chung trên thị trường toàn cầu nhằm đảm bảo các quốc gia thành viên không trở thành đối thủ cạnh tranh và những nước giàu hơn không lấp đầy các kho chứa của họ mà gây tổn hại cho những nước nghèo hơn.
Nhưng không điều nào trong số này là đủ khi đối mặt với các yếu tố cơ bản. Nhu cầu LNG của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm nay, làm gia tăng sự cạnh tranh cho nguồn cung hạn chế. Theo các nhà phân tích của Energy Intelligence, nhu cầu LNG của Trung Quốc sẽ tăng 3 triệu tấn trong năm 2023, nhưng châu Âu sẽ vẫn là điểm đến chính của LNG trên toàn cầu. Bởi vì không có sự lựa chọn nào khác.
"Đối với mùa đông này, có thể nói rằng chúng ta đã vượt qua khó khăn. Nếu không có bất ngờ nào vào phút chót, chúng ta sẽ vượt qua. Nhưng câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra vào mùa đông tới?"
Câu hỏi đến từ người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, người đã nói chuyện với Reuters bên lề Hội nghị An ninh Munich hồi đầu tháng. Và đó không phải là lần đầu tiên Birol một lần nữa cảnh báo về tình trạng bình thản quá sớm ở châu Âu.
"Mặc dù chúng tôi có đủ kho cảng nhập khẩu LNG, nhưng có thể không có đủ khí đốt để nhập khẩu và do đó, mùa đông tới sẽ không dễ dàng đối với châu Âu", Birol nói, lặp lại những bình luận trước đó rằng châu Âu phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung lớn do sự biến mất của khí đốt Nga qua đường ống Nord Stream hiện không còn tồn tại.
Khoảng trống đó được Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính là 30 tỷ mét khối. Theo người đứng đầu IEA, năm nay sẽ tăng thêm 23 tỷ m3 nguồn cung. Trung Quốc đang trở lại hoạt động kinh doanh bình thường, điều đó có nghĩa là nhu cầu khí đốt cao hơn, trong khi tại Hoa Kỳ, các công ty khai thác khí đốt đang giảm sản lượng vì giá khí đốt của Mỹ đang ở gần mức thấp kỷ lục.
Các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu có thể an ủi rằng sự thật là còn lại rất nhiều khí đốt trong kho dự trữ từ mùa đông năm ngoái, nhưng điều đó không thể an ủi được nhiều vì các chính phủ trả tiền mua khí đốt đó đã chịu thiệt hại bởi không bảo hiểm rủi ro cho giá tương lai và họ không phòng ngừa có lẽ vì họ nghĩ rằng khí đốt sẽ được sử dụng trong mùa đông vừa qua.
Chưa kể, như một số nhà phân tích thị trường, đặc biệt là John Kemp của Reuters, đã nhận xét, kho chứa khí đốt của EU không đáp ứng 100% lượng tiêu thụ. Trên thực tế, tổng dung lượng lưu trữ trong khối chỉ đáp ứng khoảng một phần tư tổng nhu cầu khí đốt.
Bên cạnh đó, công suất kho chứa khí đốt được phân bổ không đồng đều giữa các quốc gia thành viên, vì vậy trong khi một số quốc gia có thể đáp ứng gần 100% nhu cầu khí đốt của họ từ kho chứa, thì Đức lại không thể. Vì vậy, nước này đang xây dựng các cảng nhập khẩu LNG.
Argus đưa tin trong tuần trước rằng Đức có kế hoạch trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, với công suất gần 71 triệu tấn. Trước đây Đức đã từ chối ký các thỏa thuận cung cấp LNG dài hạn với Qatar vì các kế hoạch chuyển đổi năng lượng của nước này. Tuy nhiên, nó có thể sớm trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất sau Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
70,7 triệu tấn khí hóa lỏng đó sẽ cần phải đến từ một nơi nào đó, và nó sẽ đến từ Qatar và Hoa Kỳ nhưng chủ yếu là từ Hoa Kỳ, nơi các nhà sản xuất linh hoạt hơn QatarEnergy và sẵn sàng bán LNG của họ trên thị trường giao ngay - với giá cao hơn tương ứng.
Tất cả những diễn biến mới nhất trên thị trường khí đốt tự nhiên của châu Âu cho thấy EU sẽ tiếp tục trả giá cao hơn nhiều cho khí đốt mà họ tiêu thụ so với trước năm 2022. Các chính phủ có thể sẽ tiếp tục bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương nhất bằng ngân sách nhà nước. Đó là chi phí tăng thêm không tồn tại mới chỉ hai năm trước đây và là động lực lạm phát dai dẳng cho các nền kinh tế châu Âu.
Nguồn tin: xangdau.net