Chiều 9/2, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết đã có Thông báo 09 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối về việc điều chỉnh giá bán lẻ diezel trong nước giảm 500 đồng/lít từ 11.000 đồng xuống còn 10.500 đồng/lít.
Giá bán xăng và dầu hỏa vẫn được giữ nguyên ở mức lần lượt 11.000 đồng và 12.000 đồng/lít.
Theo đó, tổ giám sát liên Bộ Tài chính- Công Thương đã chấp thuận phương án đăng ký điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của Tổng Công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với thời điểm có hiệu lực từ 22 giờ ngày 9/2.
Trao đổi với Tiền Phong tối 9/2, ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex xác nhận có nhận được văn bản về việc giảm giá bán lẻ diezel.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo về giảm giá bán lẻ diezel, lãnh đạo Tổng Công ty đã họp bàn khẩn về quyết định giảm giá bán trên. Đại diện Petrolimex khẳng định không đồng tình với quyết định giảm giá trên.
“Trong văn bản gửi tổ giám sát xăng dầu, chúng tôi có đề nghị giảm giá 300 đồng/lít dầu nhưng cũng kiến nghị cho phép điều chỉnh tăng giá bán xăng do hiện doanh nghiệp đang bị lỗ ở mức trên 1.000 đồng/lít xăng. Do giá xăng đang lỗ trong khi dầu có lãi vài trăm đồng/lít nên Petrolimex kiến nghị chia sẻ quyền lợi của nhà nước, người dân và doanh nghiệp bằng cách cho phép doanh nghiệp được điều chỉnh cả giá xăng và giá dầu trên cơ sở hợp lý.
Tuy nhiên văn bản của Cục Quản lý giá đã không trả lời đầy đủ đề nghị của doanh nghiệp và không phù hợp Quy định 55 nên tạm thời doanh nghiệp chưa thể thực hiện quyết định này”- Ông Dũng cho biết.
Cũng theo đại diện Petrolimex, sau khi họp bàn Petrolimex đã có văn bản báo cáo gửi lãnh đạo 2 Bộ Tài chính và Công Thương xin ý kiến chỉ đạo việc thực hiện quyết định giảm giá bán trên.
Cũng theo ông Dũng, văn bản về giảm giá bán lẻ diezel lần này phải xem xét lại vì có một số điểm như: Văn bản quy định cụ thể về thời điểm giảm giá bán, đối tượng thực hiện và cả mức giá bán nhưng không tính đến đề nghị và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Đại diện Công ty xăng dầu Quân đội cũng cho biết doanh nghiệp này không đăng ký giảm giá bán và doanh nghiệp rất bị động trong việc thực hiện quyết định giảm giá này.
“Dù là chỉ giảm vài trăm đồng nhưng nếu không tính toán cân nhắc lợi ích chính đáng của các bên thì số lỗ doanh nghiệp phải chịu có thể lên tới vài trăm tỷ đồng”- Ông Dũng nói.
(Tiền Phong)