Dầu WTI mất hơn 8% sáng nay, trước các số liệu cho thấy năng lực lưu trữ toàn cầu đã gần chạm giới hạn.
Ảnh minh họa
Dầu thô Mỹ WTI hiện giảm 7,7% về 15,63 USD một thùng. Còn dầu Brent mất 1,4% về 21,14 USD. Sáng nay, giá có thời điểm mất 8,4% và 1,9%.
Giá dầu đi xuống sau thông tin tồn kho dầu Mỹ chạm 518,6 triệu thùng trong tuần tính đến hết ngày 17/4. Con số này gần chạm mức đỉnh 535 triệu thùng năm 2017. Số dầu được dự trữ tại các kho nổi cũng lập kỷ lục tại 160 triệu thùng.
Giá dầu đã giảm 3 tuần liên tiếp, và đi xuống 8 trong 9 tuần gần nhất. Chốt tuần trước, Brent mất 24%, còn WTI giảm 7%. WTI giao tháng 5 còn có thời điểm xuống dưới 0 USD.
"Tồn kho tăng và nhu cầu yếu đang gây sức ép lên niềm tin thị trường", các nhà phân tích tại ANZ nhận định. Dầu thô bị bán tháo từ đầu tháng 3, do nhu cầu nhiên liệu lao dốc tới 30% vì đại dịch. Giới phân tích nhận định các hãng sản xuất có thể không giảm cung kịp để kéo giá lên, đặc biệt khi GDP toàn cầu được dự báo giảm 2% năm nay - tệ hơn cả thời khủng hoảng tài chính.
Giới buôn dầu dự báo mức giảm của nhu cầu sẽ còn lấn át mức giảm cung trong nhiều tháng tới, do gián đoạn kinh tế gây ra bởi đại dịch. Nhà đầu tư tuần này sẽ theo dõi báo cáo tài chính của các hãng dầu lớn lớn, như Exxon Mobil, BP và Royal Dutch Shell.
Dữ liệu của Baker Hughes cho biết số giàn khoan tại Mỹ hiện giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa năm 2016. Trong khi đó, con số này tại Canada cũng thấp nhất kể từ năm 2000. Hồi đầu tháng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh đã thống nhất giảm sản xuất 9,7 triệu thùng một ngày trong tháng 5 và 6.
Nguồn tin: vnexpress.vn