Hôm qua (11.1), dầu thô tại New York đã bước sang ngày giảm giá thứ 5, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng vẫn ở mức rất thấp, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC vẫn chưa có tác dụng.
|
Đồng euro đang mất điểm so với đô la Mỹ - Ảnh: Bloomberg |
Trong năm nay, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của người dân Mỹ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, trong khi đó, dự trữ năng lượng của nước này lại liên tục tăng 13/15 tuần liên tiếp trong thời gian vừa qua. Hồi cuối tháng trước, OPEC đã đồng ý với kế hoạch cắt giảm 9% sản lượng trong tháng này.
Giá dầu giao tháng 2 tại New York hôm qua đã giảm thêm 68 cent, tương đương 1,7%, đạt mức 40,15 USD/thùng. Giá dầu tại Singapore lúc 7 giờ 14 sáng nay được ghi nhận ở mức 40,23 USD/thùng.
Hôm 9.1, giá dầu giao tháng 2 tại New York đã giảm tới 2,1% xuống còn 40,83 USD/thùng. Theo nhận định của các chuyên gia, giá dầu thô thế giới đang và sẽ còn tiếp tục đi xuống. Giá dầu Brent tại London đã giảm 0,6% xuống còn 44,42 USD/thùng.
Ông Mohammad Ali Khatabi, đại diện OPEC tại Iran, hôm qua đã cho biết, tổ chức này sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng một cách mạnh mẽ hơn nếu giá dầu thô vẫn theo chiều hướng xấu.
* Giá vàng thế giới đã giảm nhẹ, do tác động của việc dầu mất giá, đồng thời là do đồng đô la Mỹ đang lấy lại ưu thế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 850,75 USD/ounce, giảm 2,85 USD/ounce so với mức giá ghi nhận tại New York hôm thứ sáu tuần trước.
Giá vàng giao tháng 2 đã giảm 3,4 USD, xuống còn 851,6 USD/ounce. Trong khi đó, giá Platin lại tăng tới 2 USD so với mức giá ngày 9.1, lên mức 994,5 USD/ounce.
* Sau khi có thông tin Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 vào cuộc họp hôm 15.1 tới đây, đồng euro đã bước sang ngày thứ 2 mất điểm so với đô la Mỹ, yen Nhật.
Tỉ giá quy đổi 1 EUR được 1,3405 USD vào lúc 10 giờ 12 sáng qua tại Tokyo, thấp hơn so với mức 1 EUR đổi 1,3476 USD hôm 9.1. Tỉ giá giữa tiền Mỹ và tiền Nhật hôm qua ở mức 90,07 yen = 1 USD, thấp hơn so với mức 90,39 yen = 1 USD hôm 9.1.
(Thanh niên)