Giá dầu biến động trái chiều trong phiên 27/5 khi thị trường gia tăng lo ngại căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh có thể làm kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tại thị trường châu Á tiếp tục đi xuống trong phiên này do chịu áp lực từ xung đột thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, giá dầu Brent duy trì quanh ngưỡng 69 USD/thùng nhờ được hỗ trợ từ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh.
Giá dầu mỏ biến động trái chiều trong phiên 27/5.
Do tình hình tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, lợi nhuận của các công ty và doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc trong tháng 4 sụt giảm mạnh vì hoạt động chế tạo cũng như nhu cầu sa sút, một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng chậm lại.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 5 xu Mỹ, lên mức 68,74 USD/thùng trong phiên giao dịch sau khi lao dốc khoảng 4,5% trong tuần trước. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 36 xu Mỹ, xuống còn 58,27 USD/thùng.
Nhà phân tích dầu mỏ Olivier Jakob tại Petromatrix đánh giá: “Yếu tố chính ngăn cản giá dầu thô phục hồi trong phiên giao dịch ngày hôm nay bất chấp các tin tức địa chính trị là mối quan tâm về nền kinh tế toàn cầu. Triển vọng kinh tế vĩ mô có vẻ không tốt”.
Cả 2 mặt hàng dầu này đều ghi nhận tuần giảm lớn nhất kể từ đầu năm đến nay giữa những lo ngại bất đồng thương mại Mỹ - Trung có thể khiến kinh tế toàn cầu giảm tốc.
Tình hình căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Iran, đặc biệt sau khi chính quyền Washington hôm 24/5 cho biết sẽ triển khai thêm lực lượng binh sĩ đến Trung Đông, không tác động nhiều đến thị trường dầu mỏ trong phiên giao dịch ngày 27/5.
“Động thái này chỉ làm leo than căng thẳng ở khu vực Trung Đông, song không ảnh hưởng nhiều đến giá dầu mỏ trong bối cảnh thị trường năng lượng tại Mỹ và Anh ngừng giao dịch trong ngày hôm nay”, báo cáo của JBC Energy cho biết.
Tuy nhiên, nhà phân tích hàng hóa Edward Bell, thuộc ngân hàng NBD Emirates cho rằng, phiên này, giá dầu Brent vẫn nhận được hỗ trợ từ chương trình cắt giảm sản lượng của OPEC và các nhà sản xuất dầu thô lớn, dẫn đầu là Nga, đã cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày từ đầu năm nay, nhằm thắt chặt thị trường và hỗ trợ giá dầu.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các thành viên OPEC, gồm Iran và Venezuela đã kiềm chế việc xuất khẩu dầu thô của hai nước, khiến nguồn cung toàn cầu sụt giảm.
Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị