Với giá dầu vượt trên 100 USD, giá xăng Việt có khả năng thiết lập mức kỷ lục mới vào ngày 1-3 đến, thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu.
Ngay khi thông tin Nga tấn công quân sự Ukraine, giá dầu đã nhanh chóng thiết lập mức giá kỷ lục.
Theo đó, giá dầu Brent đã chạm mốc 102 USD/thùng, giá dầu WTI chạm mức 96,69 USD/thùng và dầu OPEC là 97,94 USD.
Giá dầu tăng mạnh là điều nằm trong dự đoán của giới đầu tư vì tình hình căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine. Trong suốt tuần qua, giá dầu liên tục áp sát 100 USD/thùng.
Trả lời Hãng tin CNBC, ông Ellen Wald, Chủ tịch Transversal Consulting, cho biết sự leo thang nhanh chóng tình hình Nga và Ukraine đã giúp dầu Brent đạt mức 100 USD sớm hơn nhiều so với dự kiến của hầu hết các nhà phân tích.
Nếu giá dầu tiếp tục duy trì mức cao trên 100 USD thì khả năng vào kỳ điều chỉnh tiếp theo của xăng vào ngày 1-3 đến, giá xăng Việt Nam lập kỷ lục mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công thương nghiên cứu, đề xuất phương án điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu. Phương án giảm thuế của hai bộ phải được báo cáo Thủ tướng trước ngày 28-2.
Lúc này, rõ ràng để giá xăng hạ nhiệt trước tình huống giá dầu tăng vọt chỉ còn trông chờ vào giảm thuế, phí. Theo các chuyên gia, cần phải thực hiện nhanh điều này sẽ giúp tránh cú sốc cho nền kinh tế.
Tiến sĩ Vũ Thị Hồng Nhung, Giảng viên Kinh tế, Khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT cho biết, việc kiểm soát và giảm giá xăng dầu thông qua cắt giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ có ảnh hưởng tích cực trong việc hỗ trợ sản xuất cho các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ với giá thành hợp lý.
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hoá và hành khách đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không sẽ là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi giá xăng dầu được cắt giảm.
Ngoài ra, việc kiểm soát và giảm giá xăng dầu sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế và tăng lợi ích của chính sách tài khóa cắt giảm 2% thuế VAT đang triển khai thực hiện nhằm kích cầu tiêu dùng, kích thích tăng trưởng và giảm áp lực lạm phát. Giảm giá xăng dầu sẽ giúp doanh nghiệp kiểm soát và không tăng giá thành hàng hóa và dịch vụ, từ đó không tạo áp lực cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hạn chế được các tác động tiêu cực đến thu nhập và chi tiêu của người dân.
Nguồn tin: Pháp luật