Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu vẫn trượt dốc

Sau cuộc họp ngày 17-12, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã quyết định, từ 1-1-2009 sẽ cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng/ngày. Như vậy, mức khai thác dầu của các ông chủ dầu thế giới từ 1-1-2009 chỉ còn 24,845 triệu thùng/ngày. Đây là "đơn thuốc" của OPEC nhằm "chữa trị" bằng được cơn trượt giá dầu đang diễn ra.

Một nhà máy lọc dầu tại A-rập Xê-út - thành viên của OPEC.

Cùng với OPEC ngăn giá dầu hạ, Nga và một số nước không thuộc OPEC như Ca-dắc-xtan, A-déc-bai-gian cũng tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng từ 300-320 nghìn thùng/ngày kể từ đầu năm 2009. Thế nhưng, căn bệnh hiện nay của dầu lại tỏ ra nhờn với "đơn thuốc" cũ của các "bác sĩ" trong và ngoài OPEC dù liều lượng cắt giảm lần này được đánh giá là mạnh tay nhất từ trước tới nay.
 
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch ngày 18-12, giá dầu thô giao tháng 2-2009 trên thị trường Niu Y-oóc có lúc đã hạ xuống mức 37,71 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất tính từ tháng 6 năm 2004.
 
Chưa bao giờ thế giới lại chứng kiến biên độ dao động lớn đến vậy trong ít ngày qua của giá dầu. Sau khi tăng liên tục từ giữa năm 2007, giá dầu đầu năm 2008 đã gây sốc bằng việc lần đầu tiên trong lịch sử chạm mốc 100 USD/thùng - mốc giá chưa từng có kể từ khi mặt hàng này được đưa vào giao dịch tại thị trường Niu Y-oóc vào năm 1983. Kể từ đó tới giữa tháng 7-2008, giá "vàng đen" liên tiếp lập kỷ lục để rồi sau đó lại tự phá vỡ để thiết lập độ cao mới và đạt đỉnh của mọi thời đại 147,27 USD/thùng. Cái giá "trên trời" của dầu đã khiến không ít quốc gia là khách hàng của OPEC lao đao.
 
Giá dầu cao đã là "thủ phạm" gây ra làn sóng biểu tình của các ngư dân và công nhân bến cảng tại khắp các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) khiến hoạt động hàng hải bên bờ Đại Tây Dương, Địa Trung Hải gần như đình trệ. Thế nhưng, đây lại là cơ hội lớn với các nước xuất khẩu dầu và các công ty dầu lửa để nâng cao vị thế trên trường quốc tế cũng như hốt bộn tiền bạc. Mặt hàng chiến lược này đã giúp Nga có trong tay khoản dự trữ ngoại hối 600 tỷ USD tính tới cuối quý III vừa qua; góp phần đưa Nga trở thành một "hiện tượng" của kinh tế toàn cầu. Tương tự như vậy, các quốc gia Vùng Vịnh cũng tranh thủ cơ hội để tăng ngân sách, nâng cấp cơ sở hạ tầng và cải thiện kinh tế…
 
Nhưng cái mốc kỷ lục 147,27 USD/thùng không trụ được lâu, giá dầu bất ngờ lao dốc với tốc độ nhanh gấp đôi thời gian lên đỉnh. Trong vòng có 4 tháng, giá mặt hàng này đã rớt một mạch hơn 100 USD/thùng, tương đương với 73%. Tình trạng này khiến các nước OPEC như ngồi trên đống lửa. Cách đây đúng 10 năm, OPEC cũng lâm vào tình thế tương tự nhưng mức sụt giảm dầu chỉ dừng lại ở ngưỡng 61%. Vì thế, chưa bao giờ mật độ các cuộc họp bất thường của tổ chức này lại nhiều như thời gian qua. Với mức cắt giảm lần này, OPEC hy vọng sẽ đẩy giá dầu lên khoảng từ 70 đến 80 USD/thùng. Nếu tình hình không được cải thiện, trong cuộc họp tới, dự kiến vào ngày 15-3-2009 hoặc có thể sớm hơn, OPEC sẽ tiếp tục giảm sản lượng khai thác.
 
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, OPEC dường như đang "bất lực" trong việc ngăn đà trượt giảm của giá dầu. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, vai trò của OPEC đối với giá dầu giờ đây chỉ còn ở mức rất hạn chế do tác động từ sự sa sút của nền kinh tế thế giới - yếu tố chính đẩy nhu cầu dầu giảm nhanh. Ngày 16-12, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 500.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 12-12, cao gấp 5 lần mức dự đoán trước đó.
 
Cùng với khủng hoảng tài chính, giá dầu giảm lại trở thành một "cú đấm kép" giáng vào kinh tế các nước xuất khẩu dầu mỏ. Đáng ngại hơn, cũng vì lý do này, nhiều dự án tìm kiếm và khai thác các nguồn dầu mới của các nước cũng bị đình lại.
(Hà Nội Mới)

ĐỌC THÊM