Giá dầu quay đầu đi xuống trong ngày 11/4 sau khi các kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần 17 tháng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm 10/4 cho biết, dự trữ dầu thô của nước này đã tăng vọt 7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/4, mức cao nhất kể từ tháng 11/2017.
Con số này cao hơn dự báo tăng 4,1 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API) và dự báo cộng 2,8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts. Sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn ở mức kỷ lục 12,2 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới vượt Nga và Ả Rập Saudi.
Giá dầu giảm nhẹ trong phiên 11/4.
Cụ thể, giá dầu Brent giảm 16 xu Mỹ, tương đương 0,2% so với phiên trước đó, xuống còn 71,57 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 25 xu Mỹ, khoảng 0,4% xuống mức 64,36 USD/thùng.
Tuy nhiên, EIA cũng cho biết nguồn cung xăng sụt 7,7 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 1,9 triệu thùng từ một cuộc thăm dò. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất mất 100,000 thùng, thấp hơn so với dự báo giảm 1,5 triệu thùng từ cuộc thăm dò của Platts.
Trong một báo cáo định kỳ hàng tháng công bố ngày 9/4, EIA đã nâng dự báo sản lượng dầu thô tại Mỹ trong năm 2019 và 2020. Trong năm 2019, EIA cũng nâng triển vọng giá dầu WTI thêm 4,8% lên 58.80 USD/thùng, còn dầu Brent vọt 3,8% lên 65,15 USD/thùng.
Tuy nhiên, bất chấp việc nguồn cung dầu của Mỹ tăng manh, thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn được hỗ trợ nhờ nguồn cung được thắt chặt hơn nhờ việc cắt giảm sản xuất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ Iran và Venezuela, và chiến sự leo thang ở Libya.
Giá mặt hàng dầu Brent và WTI đã tăng lần lượt khoảng 30 và 40% kể từ đầu năm đến nay.
Sản lượng dầu của Venezuela đã sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 3 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và việc mất điện trên diện rộng, chỉ đạt 960.000 thùng, giảm gần 500.000 thùng so với tháng trước đó.
Stephen Innes - người đứng đầu bộ phận giao dịch tại SPI Asset Management cho biết: “Áp lực đối với nguồn cung toàn cầu tiếp tục gia tăng do chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela cùng với rủi ro địa chính trị gia tăng ở Libya”.
Trong một lưu ý gửi khách hàng hôm 11/4, Công ty Năng lượng Bernstein thông báo: “Chúng tôi tin rằng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăngn 10 triệu thùng, trong đó hơn 50% đến từ thị trường Trung Quốc”.
Công ty Bernstein cho biết, nhu cầu dầu hiện tại đang ở mức 100 triệu thùng và dự báo nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2030.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn