Chiều ngày 19/12 trên sàn giao dịch điện tử Xingapo, giá dầu thế giới vẫn ở mức trên 36 USD/thùng, mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua, khi thông báo cắt giảm sản lượng kỷ lục của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không thể giúp giá dầu phục hồi.
Đến chiều 19/12, giá dầu thô ngọt nhẹ Niu Yoóc giao tháng 1/09 mặc dù đã thoát khỏi "đáy" 36 USD/thùng lập trong phiên sáng, nhưng cũng chỉ tăng lên 36,36 USD/thùng. Ngày 18/12, giá dầu tại hợp đồng này giảm tới 3,84 USD xuống 36,22 USD/thùng -mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/04.
Cũng trong ngày 19/12 tại Xingapo, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 2/09 tăng 52 xu lên 43,88 USD/thùng, sau khi giảm 2,17 USD trong phiên 18/12 ở Luân Đôn xuống 43,36 USD/thùng.
Ken Hasegawa, cán bộ quản lý tại công ty môi giới Newedge Japan (có trụ sở tại Tôkyô), nhận định rằng giá dầu không thay đổi nhiều trong phiên 19/12, do các nhà giao dịch không muốn chuốc lấy rủi ro trên một thị trường đang "điên loạn". Tuy nhiên, ông Hasegawa dự báo, người mua sẽ sớm trở lại thị trường dầu mỏ, sau kỳ nghỉ Năm mới.
Kinh tế toàn cầu sa sút đã khiến thị trường lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng sẽ giảm và đẩy giá dầu rời xa mức kỷ lục 147 USD/thùng lập hồi tháng 7/08. Để vực dậy giá dầu, mới đây OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày, tương đương 7% hạn ngạch sản lượng của khối, mức giảm mạnh nhất kể từ khi OPEC áp dụng chế độ hạn ngạch năm 1982. Trước đợt cắt giảm này, mục tiêu sản lượng của OPEC là 27,3 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia phân tích vẫn hoài nghi liệu động thái mới đây của OPEC có đủ để đối phó với hiện tượng nhu cầu dầu đang giảm mạnh hay không, trong bối cảnh các nước công nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, Đức và Nhật Bản đã rơi vào suy thoái. Còn các nền kinh tế mới nổi khác, trong đó có Trung Quốc, đang trải qua giai đoạn suy yếu.
Thị trường dầu mỏ còn phải chịu sức ép trước báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 12/12 đã tăng thêm 500.000 thùng, cao gấp 5 lần con số dự báo của thị trường. Hiện tượng này đánh đi tín hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng của Mỹ đang giảm
(ViệtStock)