Sau một đợt phục hồi đáng kể vào tuần trước, giá dầu tuân này tiếp tục chịu áp lực do một số quốc gia châu Âu bắt đầu thắt chặt các hạn chế trong bối cảnh lây nhiễm biến thể Omicron trên diện rộng.
Mặc dù dữ liệu hiện có cho thấy biến thể Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với chủng Delta nhưng chính phủ các nước và giới chức y tế vẫn rất lo ngại về sự lây lan của nó. Đương nhiên, điều này không giúp xây dựng sự lạc quan trong ngành dầu mỏ, khi mà giới đầu tư vẫn còn nhớ như in những đợt phong tỏa từ năm ngoái. Mặc dù các chuyên gia dường như cho rằng không có nền kinh tế nào vào thời điểm này có thể chịu đựng được thêm một đợt phong tỏa trên diện rộng nữa, nhưng nỗi lo vẫn còn đeo bám.
"Các nhà giao dịch năng lượng không muốn đặt cược ngược lại với OPEC+ nhưng tất cả những rủi ro trong ngắn hạn từ biến thể Omicron đến việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ đang rất ảnh hưởng đến triển vọng ngắn hạn đối với giá dầu", Reuters dẫn lời nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda.
Moya cho biết thêm: “Virus lây lan khắp châu Âu đang gây ảnh hưởng lớn hơn dự kiến và khi tính đến các cuộc họp mặt gia đình cho kỳ nghỉ lễ, triển vọng ngắn hạn có thể bị giảm trong tháng tới”.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, cơ quan đang phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ, dự kiến sẽ công bố một cách tiếp cận tích cực để xử lý vấn đề này tại cuộc họp cuối cùng của năm vào ngày 14-15/12. Sự thay đổi trong cách giải quyết được cho là gây rủi ro đối với thị trường chứng khoán, vốn đã tăng cao trong hầu hết các đợt đại dịch nhờ vào biện pháp kích thích của Fed, nhưng có vẻ như cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Đồng thời, có vẻ như việc bán tháo dầu bắt đầu từ các nhà quản lý quỹ vào tháng trước đang chậm lại, nhà báo John Kemp của hãng Reuters đã viết trong chuyên mục hàng tuần của mình. Theo dữ liệu thị trường, các quỹ đầu cơ đã bán khoảng 19 triệu thùng trong sáu hợp đồng dầu và nhiên liệu được giao dịch nhiều nhất trong tuần đầu tiên của tháng 12. Con số này so với mức khổng lồ 131 triệu thùng được bán trong tuần trước đó.
Trên thực tế, theo Kemp, tình hình với hợp đồng dầu tương lai hiện tại khiến các quỹ có thể bắt đầu mua trở lại. Ông lưu ý, các vị thế dầu Brent đã giảm một nửa xuống khoảng 154 triệu thùng và tỷ lệ giữa vị thế tăng và giảm đã giảm xuống còn 2,7: 1. Đây là thời điểm thuận lợi để mua nhiều hơn, nhưng chỉ khi Omicron không làm đảo lộn thị trường một lần nữa.
Đó là trong ngắn hạn, nhưng dường như có sự thay đổi trong tâm lý của các nhà đầu tư về triển vọng dài hạn đối với dầu thô. Một cuộc khảo sát gần đây của Bloomberg cho thấy, kỳ vọng nhu cầu dầu đã đạt đỉnh trước đại dịch đã thay đổi đáng kể trong hai năm qua.
Theo cuộc khảo sát, chỉ 2% các nhà đầu tư được Bloomberg Intelligence khảo sát tin rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào năm 2025. Chưa tới 40% nghĩ rằng nó sẽ đạt đỉnh vào năm 2030. Một phần ba số người được hỏi trong cuộc khảo sát cho biết họ tin rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh vào khoảng thời gian từ 2025 và năm 2030, nhưng một phần ba khác dự báo nhu cầu cao nhất sẽ xảy ra sau năm 2030.
Chính kết quả này cũng không đặc biệt thú vị. Nhưng trong ngữ cảnh, mọi thứ đều thay đổi. Các con số trên so sánh với 1/5 số người được hỏi dự báo nhu cầu dầu cao nhất vào tháng 2 năm 2021 trong một cuộc khảo sát từ năm 2019. Cũng trong cuộc khảo sát đó, 1/3 số người được hỏi tin rằng nhu cầu dầu cao điểm sẽ xảy ra vào năm 2025. Trong các cuộc khảo sát thậm chí còn lâu hơn trước đó, đa số đều dự báo nhu cầu đạt đỉnh vào năm 2030.
Nói cách khác, mặc dù triển vọng trước mắt đối với dầu, như thường lệ, bị ảnh hưởng bởi sự không chắc chắn tăng cao bởi làn sóng đại dịch mới nhất, nhưng triển vọng dài hạn có vẻ ít ổn định nhất. OPEC vào đầu tuần này đã góp phần vào tâm lý bất ổn này bằng cách phát tín hiệu dự báo biến thể Omicron sẽ có tác động nhẹ và tồn tại trong thời gian ngắn trên thị trường dầu mỏ và giữ nguyên dự báo về tăng trưởng nhu cầu.
Nguồn tin: xangdau.net