Giá dầu Brent Biển Bắc giảm xuống còn 72,89 USD/thùng sau khi có các số liệu kinh tế của Mỹ và Trung Quốc; trong khi giá vàng lại tăng do ảnh hưởng từ sự suy yếu của đồng USD.
Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên 2/8, sau khi các số liệu kinh tế yếu đi của Mỹ và Trung Quốc cùng sản lượng dầu thô dự kiến cao hơn từ các nhà sản xuất lớn gây lo ngại về khả năng cung vượt cầu.
Phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,52 USD (hoặc 3,3%) xuống 72,89 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng lùi 2,69 USD (tương đương 3,6%) và khép phiên thấp hơn ở mức 71,26 USD/thùng.
Yếu tố chính tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong phiên này là các số liệu kinh tế không mấy lạc quan của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát tư nhân cho thấy tăng trưởng hoạt động của nhà máy tại Trung Quốc đã giảm mạnh vào tháng 7/2021, khi nhu cầu suy giảm lần đầu tiên sau hơn một năm. Kết quả của báo cáo tư nhân này tương tự với những gì một báo cáo chính thức trước đó của Chính phủ Trung Quốc đưa ra.
Các hoạt động chế tạo của Mỹ cũng cho thấy những dấu hiệu giảm tốc. Tốc độ tăng trưởng đã chậm lại trong tháng thứ hai liên tiếp khi chi tiêu cho các dịch vụ tăng lên, trái ngược với chi tiêu giảm cho hàng hóa và tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn kéo dài.
Chuyên gia Edward Moya, nhà phân tích cao cấp tại công ty môi giới đầu tư Oanda (Mỹ) cho hay Trung Quốc đang dẫn đầu đà phục hồi kinh tế ở châu Á. Nếu sự suy giảm kéo dài và sâu sắc hơn, thị trường sẽ ngày một lo ngại rằng triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm đáng kể.
Trong khi đó, ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch and Associates LLC ở bang Illinois, Mỹ cho hay diễn biến giá của các hợp đồng năng lượng tương lai vẫn cho thấy những lo ngại về khả năng tiêu thụ năng lượng chậm chạp. Nhất là trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới đã trở lại ở một số vùng của nước Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Một yếu tố khác cũng tạo sức ép lên giá dầu trong phiên này là kết quả cuộc khảo sát của hãng tin Reuters (Vương quốc Anh) cho thấy sản lượng dầu từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 7/2021 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2020. Diễn biến này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng nguồn cung vượt quá nhu cầu trên thị trường năng lượng thế giới.
Giá vàng thế giới đi lên
Giá vàng thế giới đi lên trong phiên giao dịch đầu tuần 2/8, do ảnh hưởng từ sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng đầu tư vào các kênh rủi ro gia tăng đã hạn chế phần nào đà khởi sắc của giá vàng, vốn được coi là “thiên đường trú ẩn an toàn."
Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX tại New York, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1.816,1 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,3%, lên 1.822,20 USD/ounce.
Nhân tố "góp công" lớn nhất trong việc phục hồi sức hấp dẫn của vàng trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng Tám là việc chỉ số đồng USD giảm 0,1%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần.
Sự chú ý của giới đầu tư hiện đang đổ dồn vào báo cáo việc làm tháng 7/2021 ở khu vực phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến sẽ làm rõ nét hơn tình hình “sức khỏe” của thị trường lao động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích của công ty môi giới thị trường ThinkMarkets (có trụ sở chính tại London và Melbourne) nhận định, báo cáo việc làm tháng 7/2021 có thể là mối quan tâm chính đối với các nhà giao dịch vàng vì có thể ảnh hưởng đến quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về thời điểm giảm dần chương trình nới lỏng có định lượng.
Thêm vào đó, theo ông Razaqzada, thị trường cũng cần theo dõi chặt chẽ tình hình đại dịch COVID-19, vì diễn biến dịch COVID-19 nếu xấu đi thì có thể tác động tiêu cực đến đà tăng trưởng kinh tế và làm đảo ngược chính sách của Fed. Sự thay đổi chính sách của Fed có khả năng khiến đồng USD suy yếu và hỗ trợ giá vàng.
Tuy nhiên, sự đi lên của chỉ số S&P 500 đã hạn chế mức tăng của vàng trong phiên này, khiến nhu cầu trú ẩn an toàn của giới đầu tư giảm bớt. Chủ tịch Fed Jerome Powell tuần trước cho biết, thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn "một số rào cản" trước khi có thể lấy lại sự hỗ trợ cho nền kinh tế, đẩy giá vàng lên mức cao nhất trong hai tuần.
Cũng trong phiên này, giá bạc ổn định ở mức 25,47 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,8% lên 1.057,30 USD/ounce, còn giá palladium tăng 0,8% lên 2.681,57 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 3/8, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,50 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.
Nguồn tin: Vietnam+