Giá Brent (tháng 12) trong tuần giao dịch 28/9 - 2/10 biến động trong biên độ 38,98 - 43,00 USD/thùng, đóng cửa giao dịch ở mức 39,19 USD/thùng (giảm 8%/tuần). Lần đầu tiên Brent để tuột mốc 39 USD/thùng kể từ tháng 6 do Tổng thống Mỹ D. Trump trước thềm bầu cử chưa đầy 1 tháng bất ngờ bị nhiễm Covid-19.
Mở cửa tuần giao dịch ngày 28/9, tiếp tục bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất lợi của Covid-19, nhu cầu dầu thô thế giới thiếu triển vọng và Libya nối lại sản xuất, tăng gấp 3 sản lượng lên 250.000 bpd đã khiến Brent giảm nhẹ gần 1% xuống 42,1 USD/thùng, sau đó bắt đầu tăng trở lại, có lúc vượt 43 USD/thùng do khả năng Na Uy phải tạm dừng khai thác gần 1 triệu bpd và kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế mới 2.200 tỷ USD, vừa được Hạ viện Mỹ thông qua. Tuy nhiên, để gói hỗ trợ trở thành hiện thực còn phụ thuộc vào Thượng nghị đang được kiểm soát bởi phe Cộng hòa với yêu cầu giảm xuống còn 1.500 tỷ USD.
Ngày 29/9, Brent mất mốc 43 USD/thùng, giảm về quanh 42,6 USD/thùng trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ, thị trường một lần nữa chú ý đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới ảm đạm, đặc biệt sau nhận định của cả 3 trader độc lập lớn nhất (Vitol, Gunvor, Trafigura) về sự phục hồi nhu cầu không sớm hơn sau 18 tháng nữa và của Total về đỉnh điểm nhu cầu sẽ đạt vào năm 2030, thậm chí trước đó. Đến phiên giao dịch Mỹ, Brent giảm nhanh 4-5%, xuống thấp nhất 41,06 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại về diễn biến Covid-19 phức tạp đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ và cân bằng mong manh trên thị trường hiện nay.
Ngày 30/9, Brent tăng trở lại mức 42,4 USD/thùng nhờ thống kê trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua giảm 2 triệu thùng, quá trình đàm phán về gói hỗ trợ kinh tế có tiến triển tích cực. Tuy nhiên, phiên giao dịch ngày 1/10 đã chứng kiến Brent giảm sâu trên 5,6% xuống 40,2 USD/thùng do hàng loạt thông tin bất lợi:
Diễn biến Covid-19 phức tạp, nhiều quốc gia châu Âu tái áp dụng biện hạn chế như Anh, Czech và đặc biệt Tây Ban Nha đóng cửa 2 tuần thủ đô Madrid cùng một số thành phố lân cận. Số ca nhiễm mới tại Pháp, Anh đạt mức kỷ lục mới 17.000 và 12.900 trường hợp tương ứng;
Sản lượng khai thác dầu và condensate của Nga trong tháng 9 tăng 0,6% lên 9,93 triệu bpd, nhiều khả năng tiếp tục vượt hạn ngạch OPEC+, Libya đã nối lại sản lượng lên tới 300.000 bpd. Ngoài ra, trong tháng 9 khối OPEC cũng đã tăng sản lượng khoảng 160.000 bpd;
Chỉ số sản xuất công nghiệp Mỹ PMI Mfg tháng 9 bất ngờ giảm 1,6 điểm;
Thị trường lao động Mỹ phục hồi yếu dần, số việc làm tạo mới tháng 9 chưa bằng một nửa tháng 8.
Cuối tuần đánh dấu thêm một phiên giảm mạnh trên 5%, có lúc Brent giao dịch dưới 39 USD/thùng, sau đó hồi phục và đóng cửa ở mức 39,19 USD/thùng do tình trạng sức khỏe của Tổng thống Mỹ ổn định, triệu chứng Covid-19 ở mức nhẹ. Không chỉ riêng dầu, vàng, chứng khoán cũng giảm bởi thông tin chính trường Mỹ.
Các chuyên gia nhận định, thị trường sẽ phản ứng bất thường với tình hình sức khỏe của D. Trump, cũng như với tiến trình bầu cử Tổng thống Mỹ cho đến đầu tháng 11. Không loại trừ khả năng sự căng thẳng sẽ kéo dài qua tháng 1/2021, nếu xảy ra kiện tụng về kết quả bầu cử.
Theo chúng tôi nhận định, đến cuối tuần này, giá Brent sẽ dao động trong biên độ 36 - 42 USD/thùng.
Nguồn tin: petrotimes.vn