Giá Brent (tháng 11) trong tuần giao dịch từ 31/8 - 4/9 biến động trong biên độ 42,34 - 46,49 USD/thùng, đóng cửa tuần giao dịch ở mức thấp nhất 42,34 USD/thùng (giảm 8,5%/tuần).
Mở cửa tuần giao dịch ngày 31/8 đầu phiên, Brent tăng hơn 1,2% lấy lại mốc 46,46 USD/thùng nhờ đồng USD yếu và số liệu thống kê kinh tế Trung Quốc tăng trưởng tốt trong tháng 8 - chỉ số PMI Composite tăng 0,4 lên 54,1 điểm. Đến phiên giao dịch thị trường Mỹ, Brent giảm mạnh gần 3% xuống 45,27 USD/thùng do nhu cầu tiêu thụ dầu thế giới không rõ ràng, lo ngại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài ra, sản lượng khai thác dầu khí Mỹ phải tạm dừng tránh bão Laura nối lại nhanh hơn công suất tinh chế, cơ sở hạ tầng không bị ảnh hưởng nặng nề như dự báo.
Ngày 1/9, Brent tiếp tục đà tăng hôm qua xung quanh 45,8 - 46,2 USD/thùng nhờ đồng USD yếu - chỉ số USD Index có lúc rơi xuống 91,8 (tỷ giá EUR hướng tới mốc 1,2 USD/1 EUR), chỉ số PMI Mỹ tăng 1,8 điểm trong tháng 7 lên 56 điểm, UAE thông báo cắt giảm 30% nguồn cung tháng 10.
Ngày 2/9, đầu phiên Brent giữ được mốc giá ngấp nghé 46 USD/thùng nhờ thông tin trữ lượng dầu thương mại Mỹ tuần qua tiếp tục giảm mạnh 9,4 triệu thùng (chủ yếu do khai thác đóng cửa trú bão), sau đó giảm mạnh hơn 3,5% xuống 44,25 USD/thùng bởi nhu cầu tiêu thụ xăng tại Mỹ giảm 380.000 bpd xuống 8,78 triệu bpd. Ngoài ra, số liệu thống kê thị trường việc làm dấy lên lo ngại về đà phục hồi kinh tế đang chậm lại (số việc làm tạo mới trong tháng 8 giảm tháng thứ 2 liên tiếp, ít hơn tháng 7 - 363.000 trong bối cảnh chương trình hỗ trợ việc làm của chính phủ sắp hết hạn) cũng góp phần đẩy giá dầu đi xuống.
Hai ngày giao dịch cuối tuần 3 - 4/9 Brent tiếp tục đà giảm, xuống 42,34 USD/thùng bởi nhiều thông tin tiêu cực:
● Nhu cầu dầu thô dự kiến sẽ giảm bởi nhiều nhà máy lọc dầu đến kỳ bảo dưỡng;
● Mùa sử dụng xe ôtô đi nghỉ, du lịch kết thúc;
● Trên 800.000 bpd công suất tinh chế tại bang Louisiana cần nhiều thời gian để nối lại hoạt động sau bão Laura, trong khi khai thác dầu tại vịnh Mexico đã khôi phục trên 81% (1,3 triệu bpd);
● Iraq có nguy cơ không thể hoàn thành cam kết cắt giảm sản lượng khai thác OPEC+;
● Saudi Aramco dự kiến hạ giá bán tháng 10.
● Thị trường chứng khoán thế giới bất ngờ giảm mạnh.
Thị trường hàng hóa, chứng khoán cần phải lấy lại cân bằng sau đợt tăng trưởng vượt bậc, bất chấp yếu tố dịch bệnh Covid-19 (số ca nhiễm toàn cầu vượt 27 triệu, nhiễm mới 270.000 ca/ngày) hoành hành trở lại tại châu Âu, tình hình tại Ấn Độ, Brazil chưa cải thiện sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu với độ trễ nhất định. Giá dầu vẫn được hỗ trợ bởi đồng USD yếu và triển vọng phát triển thành công vaccine chống Covid-19.
Thị trường dầu mỏ toàn cầu đang trải qua giai đoạn phát triển nhiều rủi ro trước những tác động đan xen của các yếu tố thị trường, địa chính trị, dịch bệnh, thay đổi chiến lược đầu tư dài hạn và các mục tiêu giảm phát thải toàn cầu. Trong ngắn hạn, giá dầu tiếp tục chịu phụ thuộc lớn vào sự phục hồi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu, sự tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng trong liên minh OPEC+ cũng như lượng tồn kho dầu thô (cả trên đất liền và trên biển). Về dài hạn, sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn năng lượng tái tạo và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch sẽ làm giảm nhu cầu xăng dầu, khí đốt trong các lĩnh vực như sản xuất điện, vận tải, giao thông. Hoạt động đầu tư tìm kiếm, thăm dò tiếp tục suy giảm sẽ kéo theo sự biến động liên tục về giá dầu theo các chu kỳ khác nhau.
Theo chúng tôi nhận định, trong tuần này, giá Brent sẽ giao động trong biên độ 40 - 44 USD/thùng.
Nguồn tin: petrotimes.vn