Giá dầu duy trì đà tăng trong phiên 22/6 nhờ được hỗ trợ từ cam kết cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu chủ chốt.
Cụ thể, giá dầu Brent nhích 5 xu Mỹ, tương đương 0,1%, lên mức 42,24 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 8 cũng tăng 10 xu Mỹ, tương đương 0,2%, lên 39,93 USD/thùng.
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên 22/6.
Tại Mỹ và Canada, số lượng giàn khoan dầu và khí đốt đang hoạt động đã giảm xuống mức thấp kỷ lục ngay cả khi giá dầu tăng cao thúc đẩy một số nhà sản xuất hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, Iraq và Kazakhstan đã cam kết sẽ tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận cắt giảm sản lượng trong cuộc họp của các nước Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn gọi là OPEC+ hôm 18/6.
Hiện nhóm OPEC+ vẫn chưa quyết định liệu có nên gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày đến tháng 8/2020 hay không. Nga cho rằng giá dầu duy trì ở mức từ 40 - 50 USD/thùng là hợp lý.
Hai mặt hàng dầu này đã leo dốc khoảng 9% trong tuần trước và dầu Brent rơi vào tình trạng bù hoãn bán (khi giá giao ngay của một tài sản cơ sở cao hơn giá đang được giao dịch tại thị trường tương lai).
Giá dầu cũng đã được hỗ trợ tăng mạnh nhờ nhu cầu năng lượng trên thế giới dần phục hồi sau khi nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn dịch Covid-19, bắt đầu tái khởi động nền kinh tế trong thời gian tháng 4 - 5/2020.
Nhận định về đà phục hồi của giá dầu, Trung tâm nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Bank of America nâng dự báo giá dầu trong năm nay trong bối cảnh nhu cầu dần phục hồi trở lại và thị trường nhận được sự hỗ trợ từ việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Bank of America dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức 43,70 USD/thùng trong năm nay, cao hơn mức dự kiến trước đó chỉ đạt 37 USD/thùng. Trong năm 2021 và 2022, ngân hàng này dự báo giá dầu ngọt nhẹ WTI và Brent lần lượt ở mức 50 USD và 55 USD/thùng.
Tuy nhiên, đà phục hồi của giá dầu vẫn bị hạn chế do giới đầu tư lo ngại việc số ca lây nhiễm dịch Covid-19 trên toàn thế giới tăng lên mức cao kỷ lục có thể ngăn cản đà hồi phục nhu cầu nhiên liệu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/6 thông báo số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng ở mức cao kỷ lục, với mức tăng lớn nhất tại khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Tại châu Á, giới chức Y tế Hàn Quốc ngày 22/6 lần đầu xác nhận, khu vực thủ đô Seoul của nước này đang ở giữa làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19, cảnh báo Hàn Quốc cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến với Covid-19 lâu dài khi dự kiến đại dịch này sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt mùa hè.
Bjornar Tonhaugen - phụ trách các thị trường dầu tại Rystad Energy, nhận định tình hình lây lan dịch bệnh đang gia tăng tại các thị trường chủ chốt trên toàn thế giới và hiện xuất hiện những quan ngại rằng thế giới sẽ mất nhiều thời gian để có thể khắc phục hậu quả từ dịch Covid-19.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn