Dầu thô ban đầu giảm, nhưng sau đó tăng trở lại khi OPEC+ cho biết sẵn sàng điều chỉnh đột xuất nếu cần thiết.
Hôm 2/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), gồm Saudi Arabia, Nga và các nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới khác, quyết định giữ nguyên kế hoạch nâng sản lượng tháng 1/2022. Theo đó, họ sẽ bơm thêm 400.000 thùng một ngày vào thị trường, bất chấp giá dầu gần đây giảm vì lo ngại dư cung. Kể từ cuối tháng 10, giá dầu toàn cầu đã giảm hơn 20%.
Sau thông báo của OPEC+, giá dầu Brent có lúc giảm xuống 66 USD một thùng hôm 2/12. Tuy nhiên, giá sau đó tăng trở lại khi nhóm này cho biết sẽ tiếp tục theo dõi đại dịch và thị trường dầu thô, sẵn sàng "điều chỉnh đột xuất nếu cần thiết". Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ là ngày 4/1.
Mỗi thùng WTI hiện có giá 66,8 USD, tăng 0,45%. Trong khi đó, dầu Brent tăng 0,23% lên 69,83 USD.
Dầu Brent tăng 70% từ đầu năm, nhưng bắt đầu giảm trong tháng 11 khi Mỹ và nhiều nước tiêu thụ dầu lớn khác đồng ý xả kho dự trữ chiến lược để kiềm chế đà tăng của nhiên liệu và lạm phát. Đà giảm tăng tốc do số ca Covid-19 tăng vọt tại châu Âu và biến chủng Omicron đe dọa các hoạt động kinh tế.
Tuy nhiên, Goldman Sachs lại cho rằng quyết định của OPEC+ sẽ không làm trật nhịp tăng của thị trường. Họ nhận thấy "rủi ro tăng giá rất rõ ràng" và dự báo giá dầu Brent trung bình là 85 USD một thùng năm sau.
Họ lý giải các hãng sản xuất dầu đá phiến Mỹ sẽ thận trọng với kế hoạch chi tiêu năm 2022 do giá gần đây đi xuống. Bên cạnh đó, khi tốc độ tăng trưởng sản xuất dầu đá phiến chậm lại, công suất dư thừa của OPEC sẽ còn giảm nhanh hơn nếu nhóm này quyết định đột ngột ngừng nâng sản lượng. Đặc biệt là trong trường hợp không có thỏa thuận nào cho phép Iran tăng bơm dầu vào thị trường năm tới.
Goldman cho rằng việc giảm giá gần đây, cùng với lo ngại biến chủng Omicron làm giảm nhu cầu, là quá đà. Mức giá hiện tại "là cơ hội tốt" để tái đầu tư.
Dù vậy, Goldman cho rằng trong ngắn hạn, thị trường dầu cần nhiều thông tin hơn về Omicron để hồi phục. Để giá lên trên 80 USD, thị trường cũng cần thêm bằng chứng về nguồn cung thắt chặt.
Nhiều nhà phân tích cũng nghi ngờ việc OPEC+ có thể bơm thêm dầu như ý muốn. Khi sản xuất tại Nga và nhiều nước châu Phi đã đạt đỉnh, nhóm này chỉ có thể tăng sản lượng thêm 250.000 thùng dầu mỗi ngày, Christyan Malek – Giám đốc nghiên cứu dầu khí tại JPMorgan cho biết. Bên cạnh đó, quyết định này cũng cho thấy OPEC+ tin rằng tác động của Omicron "sẽ chỉ kéo dài trong ngắn hạn".
Nguồn tin: vnExpress