Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu trên thị trường thế giới đi xuống trong phiên 2/2

Kết thúc phiên 2/2, giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn giao dịch ở mức 82,17 USD/thùng, giảm 67 xu Mỹ, tương đương 0,8%; giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đứng ở mức 75,88 USD/thùng, giảm 53 xu Mỹ.

Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên giao dịch 2/2, khi các đơn đặt hàng sản xuất công nghiệp của Mỹ sụt giảm, đồng USD mạnh lên, khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Cụ thể, kết thúc phiên này tại thị trường London (Anh), giá dầu Brent biển Bắc giao kỳ hạn giao dịch ở mức 82,17 USD/thùng, giảm 67 xu Mỹ, tương đương 0,8%.

Còn tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đứng ở mức 75,88 USD/thùng, giảm 53 xu Mỹ, tương đương 0,7%.

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ, mặc dù lượng đơn đặt hàng mới cho hàng hóa chế tạo của Mỹ tăng mạnh trong tháng 12, song số đơn đặt hàng thiết bị công nghiệp và máy móc lại giảm.

John Kilduff, một đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital (Mỹ), cho biết: “Điều đó cho thấy nền kinh tế đang chậm lại, đặc biệt là về mặt công nghiệp, gây bất lợi cho xăng dầu.”

Theo chuyên gia phân tích Jim Ritterbusch của công ty tư vấn tài chính và năng lượng Ritterbusch and Associates, sự phục hồi của chỉ số đồng USD, vốn chạm mức thấp nhất trong 9 tháng trong phiên giao dịch trước đó do kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thu hẹp biên độ tăng lãi suất, cũng gây áp lực lên giá dầu. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu được định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Fed đã tăng lãi suất mục tiêu thêm 0,25 điểm phần trăm vào cuộc họp ngày 1/2, nhưng cam kết sẽ "liên tục tăng" lãi suất như một phần trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao vẫn đang tiếp diễn.

Fed cho biết: “Lạm phát đã giảm bớt phần nào nhưng vẫn ở mức cao,” đánh dấu sự thừa nhận rõ ràng về những tiến bộ đạt được trong việc giảm tốc đà tăng giá cả từ mức cao nhất trong 40 năm ghi nhận hồi năm ngoái.

Mặc dù lạm phát dường như đã chậm lại ở các nền kinh tế lớn, phản ứng của các ngân hàng trung ương và tốc độ mở cửa trở lại sau lệnh phong tỏa do COVID-19 của Trung Quốc là không chắc chắn.

Nhân tố giúp hạn chế biên độ giảm của giá dầu trong phiên này là lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu tinh chế của Nga, dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2. Điều này có khả năng giáng một đòn mạnh vào nguồn cung toàn cầu.

Các nhà ngoại giao cho biết các nước EU sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vào ngày 3/2 về đề xuất của Ủy ban châu Âu trong việc ấn định giá trần đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga sau khi hoãn đưa ra quyết định vào ngày 2/2 do sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.

Trong khi đó, Nhóm Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác (OPEC+) ngày 1/2 đã thống nhất giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng hiện nay, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu nhiên liệu đang dần cải thiện tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu toàn cầu, cũng như triển vọng không chắc chắn đối với nguồn cung của Nga./.

Nguồn tin: Vietnam+

ĐỌC THÊM