Giá dầu thô thế giới tiếp tục giảm sau khi Ả-rập Xê-út hạ mạnh giá bán dầu thô tháng 10/2020 cho khu vực Châu Á. Thị trường tiếp tục lo ngại sự phục hồi kinh tế và phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô ở mức yếu, trong khi đó lượng tồn trữ dầu thô tiếp tục ở mức cao.
Một số hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ đang tái mở rộng sản xuất khi giá dầu thô phục hồi trở lại trong thời gian qua (Ảnh: Kataeb)
Vào lúc 7h30 sáng nay, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 91 cents tương ứng 2,1% xuống còn 41,75 USD/thùng; trong phiên giao dịch, giá dầu thô Brent đã có lúc giảm về còn 41,51 USD/thùng – mức thấp nhất kể từ ngày 30/7/2020. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng đã giảm 91 cents tương ứng 2,3% xuống còn 38,86 USD/thùng.
Giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm mạnh sau khi Ả-rập Xê-út, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã giảm mạnh giá bán dầu thô tháng 10/2020 cho khu vực Châu Á với mức giảm mạnh nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. Khu vực Châu Á hiện là thị trường lớn nhất của Ả-rập Xê-út.
Bên cạnh đó, giá dầu thô còn chịu áp lực giảm trong bối cảnh thị trường ngày càng lo ngại về đà phục hồi kinh tế khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát tốt tại nhiều nơi trên thế giới, bao gồm các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ. Điều này gây tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi nhu cầu sử dụng dầu thô trong thời gian tới.
Giới phân tích nhận định nguồn cung dầu thô và sản phẩm chế xuất từ dầu thô trên thị trường hiện vẫn đang ở mức cao bất chấp các nỗ lực cắt giảm mạnh sản lượng khai thác của liên minh OPEC+ và các biện pháp kích thích kinh tế của các quốc gia trên toàn cầu. Việc nguồn cung ở mức cao đang buộc các hãng lọc hoá dầu cắt giảm sản lượng sản xuất và các hãng khai thác năng lượng phải tiếp tục giảm mạnh giá bán dầu thô.
Các chuyên gia phân tích từ tập đoàn tài chính ANZ nhận định “Ngày lễ Lao động diễn ra tại Hoa Kỳ đã chính thức khép lại mùa lái xe chơi hè, mùa có nhu cầu tiêu thụ xăng cao nhất trong năm. Giới đầu tư đang đối mặt với tình trạng nhu cầu sử dụng nhiên liệu giảm xuống trong khi đó mức tồn kho dầu thô và sản phẩm từ dầu thô vẫn đang ở mức cao”.
Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã bắt đầu tăng sản lượng khai thác dầu thô trở lại kể từ tháng 8/2020. Kể từ tháng 5 – 7/2020, liên minh OPEC+ đã tiến hành cắt giảm sản lượng khai thác ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhằm ngăn chặn sự sụt giảm của giá dầu thô.
Việc giá dầu thô phục hồi trở lại trong giai đoạn vừa qua cũng khuyến khích các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ tái mở rộng khai thác trở lại. Hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes Co. cho biết trong 3 tuần vừa qua, các hãng khai thác năng lượng tại Hoa Kỳ đã 2 lần tăng số lượng giàn khoan khai thác dầu thô và khí tự nhiên.
Nguồn tin: tapchicongthuong.vn