Sau khi giảm xuống dưới 10 USD/thùng, giá dầu thô Mỹ đã tăng trở lại sau thời điểm trồi sụt trong phiên giao dịch ngày 28/4.
Tại New York, giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 tăng 0,44 USD lên 12,34 USD/thùng, trong khi dầu Brent tại thị trường London giao cùng thời điểm tăng 0,47 USD lên 20,46 USD/thùng.
Nhân viên điều chỉnh bảng giá tại một trạm xăng ở Arlington, bang Virginia, Mỹ ngày 21/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Diễn biến thị trường thay đổi sau phiên bán tháo trước đó khiến giá dầu WTI của Mỹ giảm gần 25%. Nhà phân tích Eugen Weinberg tại viện nghiên cứu Commerzbank Research cho biết trước đó, nguồn cung dư thừa lớn kèm theo những lo ngại về khả năng dự trữ quá tải là những nguyên nhân chính đẩy giá "vàng đen" giảm sâu trên thị trường năng lượng.
Trong báo cáo tháng, công bố ngày 28/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự đoán giảm xuống mức thấp kỷ lục - 9,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020.
Hoạt động sản xuất đã được điều chỉnh chậm lại do các kho chứa dầu đang dần đạt mức tối đa. Để đối phó với tình huống này, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác trong tháng 4 đã công bố một thỏa thuận lịch sử, với mức cắt giảm kỷ lục 9,7 triệu người. Cùng với đó, vào ngày 20/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết Chính phủ Mỹ có thể mua vào tới 75 triệu thùng dầu thô để phục vụ mục đích dự trữ chiến lược của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giới phân tích cho rằng việc cắt giảm sản lượng khó có thể diễn ra nhanh chóng để đưa thị trường dầu vào thế cân bằng trong tháng 5, tháng 6/2020 hoặc thậm chí vào cuối mùa Hè này. Mặt khác, thỏa thuận cắt giảm của OPEC+ được cho là quá muộn để có thể giúp xoay chuyển tình hình trong tháng 4 này.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng quay đầu giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 28/4, khi đà sụt giảm của các cổ phiếu công nghệ lớn đã xóa đà tăng trên thị trường, vốn được hỗ trợ từ sự lạc quan về khả năng nền kinh tế Mỹ tái mở cửa.
Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 32,23 điểm, xuống còn 24.101,55 điểm, chấm dứt chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Chỉ số S&P 500 lùi 0,5% xuống 2.863,39 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite giảm xuống còn 8.607,73 điểm. Trước đó cả ba chỉ số chính này đều tăng hơn 1% trong đầu phiên.
Trước đó, với việc mở cửa một phần nền kinh tế Mỹ - ở Alaska, Georgie, Nam Carolina, Tennessee, Texas và một số bang khác đã thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư trong ngày 27 và 28/4, với một số doanh nghiệp Mỹ chuẩn bị hưởng lợi từ làn sóng người tiêu dùng đầu tiên xuất hiện kể từ khi có lệnh phong tỏa do dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.
Nguồn tin: baotintuc.vn