Giá "vàng đen" đi lên trong phiên 22/10 trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn lo ngại về căng thẳng giữa Mỹ và Ả Rập Saudi liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Một số nghị sĩ Mỹ đã kêu gọi trừng phạt đối với Ả Rập Saudi hồi cuối tuần qua trước chuyến thăm Vương quốc này của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Tuy nhiên, Bộ trưởng Mnuchin cho biết quan hệ của Chính phủ Mỹ với Ả Rập Saudi là rất quan trọng đối với kế hoạch ngăn chặn nỗ lực của Iran trở thành cường quốc thống trị trong khu vực.
Robbie Fraser - chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, cho rằng: “Căng thẳng giữa Ả Rập Saudi và cộng đồng quốc tế dự kiến không gây ra bất kỳ gián đoạn đáng kể nào đối với nguồn cung dầu thô và kim ngạch xuất khẩu”.
Giá dầu tăng nhẹ trong ngày 22/10.
Giá dầu vẫn leo dốc trong phiên này mặc dù Ả Rập Saudi cam kết sẽ tăng sản lượng, 2 tuần trước thời điểm lệnh trừng phạt của Mỹ lên Iran chính thức có hiệu lực.
Phát biểu với hãng tin Tass của Nga, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả Rập Saudi Khalid al-Falih cho biết nước này không có ý định thực hiện một lệnh cấm vận dầu như năm 1973 đối với người tiêu dùng phương Tây, mà sẽ tập trung vào việc nâng sản lượng để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt.
Bộ trưởng Falih cho biết Ả Rập Saudi sẽ sớm tăng sản lượng từ mức 10,7 triệu thùng/ngày hiện tại lên 11 triệu thùng/ngày, và tuyên bố rằng Riyadh còn có khả năng đưa con số này lên mức 12 triệu thùng/ngày.
Chốt phiên 22/10, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 5 xu Mỹ (tương đương gần 0,1%) lên 69,17 USD/thùng sau khi suy yếu trong phần lớn phiên giao dịch. Trong khi đó, giá dầu Brent nhích 5 xu Mỹ (tương đương gần 0,%) lên 79,3 USD/thùng.
Vụ việc liên quan đến nhà báo Khashoggi đã khiến quan hệ giữa Ả Rập Saudi và các nước phương Tây rạn nứt nghiêm trọng. Sau 2 tuần phủ nhận, Chính phủ Ả Rập Saudi hôm 20/10 đã lên tiếng xác nhận nhà báo Khashoggi bị chết trong vụ ẩu đả bên trong tòa Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Istanbul.
Các nhà phân tích tại Commerzbank lưu ý: “Việc Ả Rập Saudi thừa nhận cái chết gây tranh cãi của nhà báo Khashoggi làm dấy lên nhiều nghi ngờ hơn là trả lời… Vì vậy, nước này vẫn tiếp tục vấp phải sự chỉ trích và sức ép của dư luận quốc tế, đồng thời khả năng Riyadh bị áp các biện pháp trừng phạt vẫn còn duy trì”.
Tuy nhiên, phản ứng thị trường cho thấy giới đầu tư dường như nghĩ rằng không nhiều cơ hội thay đổi kịch bản trên.
Mặc dù vậy, nguồn cung dầu toàn cầu vẫn còn bị chi phối từ các mối lo ngại về nguồn cung khác, gồm sự sụt giảm sản lượng tại Venezuela và lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có hiệu lực vào ngày 4/11 tới, các nhà phân tích tại Commerzbank cho biết.
Sau thời điểm Mỹ áp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran, giới phân tích ước tính rằng thị trường “vàng đen” có nguy cơ mất đi nguồn cung lên đến 1,5 triệu thùng/ngày.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải đối mặt với đà leo dốc của dự trữ dầu thô tại Mỹ vào cuối tuần này khi mùa bảo dưỡng nhà máy lọc dầu tiếp tục. Giá dầu đã chịu sức ép hồi tuần trước một phần do đà tăng 4 tuần liền của dự trữ dầu thô tại Mỹ.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn