Các hợp đồng dầu thô tương lai tiếp tục giảm mạnh trong phiên đầu tuần.
Giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 2 giảm mạnh 3,06 USD, tương đương 6,7%, xuống chỉ còn 42,53 USD/ thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York (Nymex), theo sau mức lao dốc đến 11,4% trong tuần trước. Giá vàng đen này đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ ngày 21/7/2017.
Giao dịch dầu thô trên thị trường Nymex cũng đã đóng cửa sớm vào lúc 1:30 chiều (theo giờ miền Đông nước Mỹ), kết thúc trước 1 tiếng so với bình thường để chuẩn bị đón lễ Giáng sinh, và thị trường sẽ tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ vào hôm nay (25/12).
Trong khi đó, giá dầu Brent – dầu chuẩn toàn cầu – giao tháng 2 cũng rớt mạnh 3,35 USD, tương đương 6,2%, kết thúc tại 50,47 USD/ thùng, sau khi đã giảm đến 10,7% trong tuần trước.
Cả hai loại dầu thô trên đều đã rớt vào thị trường con gấu, thường được xác định là sụt giảm ít nhất 20% so với mức đỉnh gần nhất. Trong khi đó, giá dầu WTI đã giảm đến 40,5% so với mức đỉnh gần nhất đạt được vào ngày 3/10, trong khi giá dầu Brent giảm khoảng 38% so với mức cao kỷ lục gần đây trong tháng 10.
Đã có thêm những bằng chứng về việc tăng trưởng kinh tế chùng xuống trên toàn cầu, ngoại trừ Hoa Kỳ, khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, kéo theo tâm lý ưa chuộng đầu tư vào các tài sản rủi ro như dầu mỏ đang dần biến mất. Nền kinh tế toàn cầu suy thoái có thể dẫn đến hạn chế nhu cầu về năng lượng.
Diễn biến mới nhất vào hôm qua của thị trường chứng khoán càng củng cố triển vọng kinh tế trong tương lai là khá bi quan. Chỉ số Dow Jones đã có ngày giao dịch Giáng sinh chìm sâu 2,91%, trong khi chỉ số S&P 500 ghi nhận mức thua lỗ kỷ lục trong ngày ở con số 3%.
Matt Smith, giám đốc nghiên cứu hàng hóa tại ClipperData chia sẻ: “Tâm lý e ngại đã lan rộng sang các thị trường, không chỉ ở chứng khoán mà cả thị trường dầu thô cũng đang bị cuốn theo cảm xúc này”.
Thị trường năng lượng đang lao đao trong thời gian qua
Tính đến nay, những nỗ lực của Ả rập Xê út - nhà lãnh đạo của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), khi tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 332.000 thùng/ngày bắt đầu vào 2019, cao hơn mức cam kết cắt giảm 250.000 thùng/ngày trong cuộc họp trước đó, đã không đủ để dập tắt các mối lo ngại. Trong khi đó, sản xuất dầu thô của Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng mạnh, đáng chú ý là các nhà sản xuất dầu đá phiến, cũng đã góp phần vào những lo lắng về tình trạng tăng trưởng nguồn cung dầu trên toàn thế giới.
Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch châu Á Thái Bình Dương tại Oanda, bình luận: “Việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ giúp thị trường giảm bớt nguồn cung trong nửa đầu năm 2019. Mối quan tâm hiện nay lại là tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và sản xuất dầu đá phiến tiếp tục đạt mức cao kỷ lục mới, nên càng khiến các nhà đầu tư lo ngại sâu sắc”.
Theo ông Smith, với sự lao dốc không phanh vừa qua, “thị trường hiện không có bất kỳ sự hỗ trợ thật sự nào, vì vậy tạm thời dời vùng hỗ trợ từ mốc 44 USD xuống 42 USD”.
Trong khi đó, ở các thị trường năng lượng khác, giá khí tự nhiên giao tháng 1 hôm qua cũng đóng cửa giảm 34,9 cent, tương đương 9,2%, xuống 3,467 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, ghi nhận mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 15/11. Giá xăng giao tháng 1 cũng giảm 5,3% xuống 1,2488 USD/gallon, đánh dấu mức thấp nhất kể từ ngày 29/2/2016.
Giá dầu nóng giao tháng 1 cũng rớt 4,1% xuống còn 1,6622 USD/ gallon, ghi nhận mức đóng cửa thấp nhất kể từ 28/8/2017.
Nguồn tin: thegioitiepthi.vn