Lần gần đây nhất giá dầu thô quốc tế tụt xuống dưới 50 đô la Mỹ/thùng và dao động quanh 45-50 đô la Mỹ/thùng là tháng 7-2017. Trước đó, vào tháng 9-2016 giá dầu đã từng rơi về 40 đô la Mỹ/thùng, rồi sau đó dập dình ở mức 45-52 đô la Mỹ/thùng suốt chín tháng trời. Thứ Ba đầu tuần này, giá dầu thêm một lần giảm về sát 46 đô la Mỹ/thùng do lo ngại nguồn cung dư thừa và nhu cầu tiêu thụ thấp. Nga và các thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) đã đồng ý cắt giảm sản lượng cho năm 2019, nhưng những dữ liệu tăng trưởng chậm lại một cách toàn diện của kinh tế Trung Quốc đã dấy lên lo ngại về sức tiêu thụ vàng đen toàn cầu. Cùng với đó là sự lên giá của đô la Mỹ so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt của thế giới cũng khiến giá dầu giảm.
Mỗi lần giá dầu giảm, cổ phiếu dầu khí lại phập phồng như thiếu sinh khí. Ảnh: TL
Lần giảm này của giá dầu khác hẳn với những lần giảm trước ở chỗ nó có thể còn rớt và đứng ở mức thấp một thời gian dài. Và nó là một cú rơi dài, thẳng đứng từ 76 đô la Mỹ về 46 đô la Mỹ/thùng, tức mất 39,4% chỉ trong chưa đầy ba tháng. Đằng sau giá dầu chưa bao giờ chỉ là câu chuyện kinh tế, còn là địa chính trị. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu công khai ngụ ý ông muốn giá dầu thấp hơn nữa. Trong khi ấy giá dầu lên hay xuống giờ đây cũng không tác động nhiều lắm đến nước Nga. Đã ba năm rưỡi nay tỷ giá đô la Mỹ/đồng rúp Nga luôn quanh ngưỡng 60-70 rúp đổi một đô la Mỹ. Với Nga, giá dầu xuất khẩu tính theo giá dầu Brent từ 42 đô la Mỹ/thùng trở lên là có lời, mà giá dầu Brent dù đã lao dốc vừa qua, vẫn còn đang trên 56 đô la Mỹ/thùng. Trữ lượng dầu mỏ của Nga lớn, giá thành khai thác thấp. Ở Moscow, giá bán lẻ xăng dầu có lẽ thuộc hàng thấp nhất thế giới, khoảng hơn 50 xu Mỹ/lít.
Mỗi lần giá dầu giảm, cổ phiếu dầu khí lại phập phồng như thiếu sinh khí. Điển hình nhất là Tổng công ty Khí (GAS-Hose). Hai lần trước giá dầu thế giới giảm về 45 đô la Mỹ/thùng, thị giá GAS quẩn quanh 60.000 đồng/cổ phiếu từ tháng 9-2016 đến tháng 7-2017. Nhưng hiện nay, bất chấp giá dầu lại giảm, GAS vẫn đang được giao dịch trên 90.000 đồng/cổ phiếu. PVD (Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí) đã từng giảm về tầm 13.000 đồng trong tháng 7-2018, tức ngang với giá thấp nhất của tháng 7-2017, là giá đáy của PVD từ khi niêm yết. PVD năm nay vẫn đầy khó khăn, dự kiến vẫn tiếp tục lỗ và với diễn biến không khả quan của giá dầu, việc cho thuê các giàn khoan sẽ không thể tích cực cả về giá cũng như thời gian thuê.
PVS (Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí) có giá cổ phiếu 15.000 đồng từ tháng 9-2016 đến tháng 7-2017, nhưng khi VN-Index vào sóng phục hồi từ quí 4 năm ngoái đến đầu tháng 4 năm nay, thị giá PVS đã có thời điểm chạm 30.000 đồng, nay nó vẫn còn tầm 20.000 đồng.
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR-UpCom) có lẽ là cổ phiếu gây thất vọng nhiều từ khi lên sàn vì dù là “ông lớn”, thị giá BSR luôn thấp hơn giá IPO thành công và bị khối ngoại bán ròng triền miên.
Ngoài ảnh hưởng của giá dầu quốc tế, những nhà đầu tư đang sở hữu cổ phiếu dầu khí hiện không thể không quan tâm đến diễn biến của vụ án Hà Văn Thắm và Ngân hàng Đại Dương giai đoạn 2. Hàng loạt quan chức các doanh nghiệp dầu khí chủ lực của PetroVietnam vừa bị khởi tố và bắt tạm giam do liên quan đến việc doanh nghiệp gửi tiền và nhận chi lãi ngoài, vượt trần quy định tại OceanBank. Mới nhất, ngày 18-12-2018, ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVD, vừa bị khởi tố, bắt tạm giam.
Cổ phiếu dầu khí đang ở thời điểm “họa vô đơn chí”. Với giá dầu quốc tế hiện hành, giá thành khai thác một số mỏ của PetroVietnam đang cao hơn giá xuất khẩu. Trong trường hợp giá dầu về 40 đô la Mỹ/thùng, sự cân nhắc khai thác hay không, khai thác rồi có xuất khẩu không của PetroVietnam lại được đặt lên bàn xem xét. Mà tạm ngưng khai thác, thì các công ty dịch vụ dầu khí lấy đâu ra việc làm để có doanh thu, lợi nhuận, trong khi khấu hao, bảo trì máy móc, lương nhân công vẫn phải chi.
Ngoài giá dầu, VN-Index đang chịu tác động của chứng khoán thế giới, nhất là chứng khoán Mỹ, Trung Quốc. Các chỉ số Dow Jones và S&P500 đang có một tháng 12 tồi tệ nhất trong vòng 87 năm qua, kể từ đại khủng hoảng 1931. Cựu chủ tịch Fed ông Alan Greenspan cuối cùng cũng phải lên tiếng cảnh báo giới đầu tư rằng thị trường con bò đã thật sự kết thúc. Không chỉ Fed đang siết dần vòng vây lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu, sau một thời gian rất kiên trì, cũng vừa công bố dừng chương trình nới lỏng định lượng (QE) mua trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp và bắt đầu nâng lãi suất từ đầu năm 2019 mặc dù kinh tế khu vực đồng euro mới chỉ phục hồi chậm chạp.
Nguồn tin:thesaigontimes.vn