Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu thế giới và ảnh hưởng của việc Mỹ trừng phạt Iran

Mỹ đã chính thức tái khởi động lệnh trừng phạt đối với Iran song giá dầu mỏ không bị ảnh hưởng mà ngược lại còn giảm xuống. 

Giá dầu thế giới và ảnh hưởng của việc Mỹ trừng phạt Iran. Ảnh: TTXVN

Tháng trước, giá dầu mỏ thế giới đạt mức đỉnh của 4 năm vì lo ngại nguồn cung sẽ giảm bởi sự gián đoạn trong xuất khẩu dầu mỏ của hai nước sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới là Iran và Venezuela. Nhưng sau khi Mỹ chính thức áp dụng lệnh trừng phạt Iran, giá dầu mỏ không những không tăng mà còn quay đầu giảm.

Theo hãng tin Bloomberg, ngày 6/11, giá dầu mỏ thế giới đóng cửa ở mức thấp nhất trong 7 tháng. Như vậy, từ khi đạt đỉnh vào tháng trước, giá dầu mỏ đã giảm khoảng 20%. Theo tờ CommonWealth của Đài Loan (Trung Quốc), có 3 nguyên nhân khiến giá dầu mỏ đi xuống.

Thứ nhất, nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm. Một trong những nguyên nhân khiến giá dầu mỏ giảm là lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã lây lan từ thị trường chứng khoán sang thị trường nguyên, nhiên liệu. Nếu kinh tế thế giới rơi vào tình trạng khó khăn, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu cũng sẽ giảm xuống.

Bên cạnh đó, thị trường dầu mỏ thế giới đã chuẩn bị từ lâu cho việc Mỹ thực hiện lệnh trừng phạt Iran. Từ tháng 5 tới tháng 10, xuất khẩu và sản lượng dầu mỏ của Iran giảm liên tục. Cùng thời gian, nhu cầu dầu mỏ của thế giới cũng đi xuống.

Thứ hai, lệnh trừng phạt Iran nới lỏng hơn dự kiến. Lệnh trừng phạt Iran của Mỹ đưa ra quyền miễn trừ, nghĩa là dù lệnh trừng phạt đã chính thức áp dụng, nhưng có 8 quốc gia và vùng lãnh thổ vẫn được phép tiếp tục mua dầu mỏ của Iran, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, Italy, Hàn Quốc, Nhật Bản và Vùng lãnh thổ Đài Loan.

Thực tế rõ ràng đã có sự nới lỏng hơn so với suy nghĩa trước đây rằng Mỹ sẽ gây sức ép đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0. Theo Damien Courvalin, Trưởng bộ phận nghiên cứu năng lượng của Goldman Sachs, quyết định trao quyền miễn trừ cho một số nước và vùng lãnh thổ của Mỹ tương đối hợp logic.

Vì nếu ngay từ đầu đã cắt đứt hoàn toàn nguồn cung dầu mỏ từ Iran cho các nước sẽ khiến giá dầu tăng cao. Điều này đương nhiên không có lợi cho kinh tế thế giới, bao gồm cả Mỹ trong bối cảnh lo ngại tăng trưởng đi xuống.

Thứ ba, các nước sản xuất dầu mỏ chủ yếu đã gia tăng sản lượng làm lắng dịu lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường dầu mỏ. Thống kê cho thấy tổng sản lượng dầu mỏ hằng ngày trong tháng 10 của Nga, Mỹ và Saudi Arabia trung bình là hơn 33 triệu thùng, tăng 10 triệu thùng/ngày so với năm 2010.

Trong khi đó, sản lượng dầu mỏ của 3 nước này đủ để đáp ứng 1/3 nhu cầu của thế giới. Như vậy, thế giới về cơ bản có thể không cần tới nguồn cung dầu mỏ từ Iran. Chỉ tính riêng sự bùng nổ về sản lượng của ngành năng lượng Mỹ đã có thể đủ thỏa mãn nhu cầu toàn cầu.

Tháng 8 vừa qua, Mỹ lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới kể từ năm 1973. Theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Mỹ, dù thiếu nguồn cung dầu mỏ từ Iran, thế giới vẫn có thể bình thản bước qua năm 2019.

Quả thực, sản lượng dầu mỏ của Mỹ đang có bước đại nhảy vọt. So với năm 2017, sản lượng dầu mỏ của Mỹ tăng trung bình 2,1 triệu thùng/ngày, hơn nữa, dư địa gia tăng vẫn còn nhiều. Dự kiến tới năm 2020, lượng xuất khẩu dầu mỏ của Mỹ sẽ tăng gấp đôi.

Như vậy có thể thấy Mỹ đang trỗi dậy trở thành nhà lãnh đạo trong thế giới năng lượng. Điều này khiến Mỹ hoàn toàn không sợ ảnh hưởng tiêu cực từ việc trừng phạt Iran, sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Iran. Lệnh trừng phạt mới của chính quyền Donald Trump đối với Iran đã phát đi một thông điệp rõ ràng rằng nếu Tehran không thay đổi thì hãy gánh chịu hậu quả./.

Nguồn tin: bnews.vn

ĐỌC THÊM