Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu thế giới tiếp tục đà giảm trong năm 2009

Sau khi giá dầu đạt mức kỷ lục trên 147 USD/thùng hồi tháng 7/08 và rớt xuống quanh ngưỡng 40 USD/thùng như hiện nay, các chuyên gia nhận định, mặt hàng "vàng đen" này sẽ còn tiếp tục rớt giá nhiều hơn trong năm 2009 do nhu cầu sụt giảm mạnh trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Nhìn chung, đã có những lúc giá dầu phục hồi nhẹ trước các quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và mới đây nhất là quyết định cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày có hiệu lực từ ngày 1/1/2009, song thị trường dầu mỏ đã mất giá khoảng 70% từ hồi tháng 7/08 khi các nhà giao dịch dầu mỏ lo ngại về tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu.
 
Trước đó, giá dầu mỏ cũng đã tăng mạnh hồi đầu năm 2008 với những lo ngại về nguồn cung tại các quốc gia sản xuất dầu mỏ trọng yếu và gia tăng nguy cơ lạm phát lan rộng trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, các nhà kinh tế hiện đang lo ngại về việc thị trường dầu mỏ xuống dốc, thậm chí sẽ đẩy nhanh nguy cơ giảm phát (sự sụt giảm giá cả kéo dài), gây ra những thương tổn sâu sắc cho kinh tế toàn cầu, vốn đang phải trải qua những tác động của tình trạng đổ vỡ tín dụng.
 
Nhà phân tích tại Deutsche Bank, Michael Lewis, nhận định trong năm 2009, ông tin rằng giá cả rất nhiều mặt hàng sẽ sụt giảm mạnh, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Ông đánh giá rằng, việc Deutsche Bank hạ mức dự đoán giá dầu trong năm 2009 từ mức dự đoán 60 USD/thùng trước đó xuống 47,5 USD/thùng, phản ánh triển vọng kinh tế toàn cầu rất ảm đạm gây ra những tác động liên tiếp tới giá dầu mỏ. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng giá dầu sẽ phục hồi đáng kể vào năm 2011, khi kinh tế toàn cầu có thể phát triển mạnh mẽ trở lại và nguồn cung dầu mỏ có phần yếu đi.
 
Trong khi đó, nhà phân tích tại trung tâm tư vấn năng lượng Cameron Hanover, Peter Beutel, cho biết khách hàng đã từng phải dốc "hầu bao" cho OPEC thì nay hầu bao của OPEC đang ngày một cạn kiệt. Đồng thời, 2008 đánh dấu là một trong những năm bất ổn và khắc nghiệt nhất từ trước đến nay với việc giá cả thay đổi chóng mặt gây ra tình trạng lạm phát tồi tệ nhất sau gần 3 thập kỷ. Năm 2008 kết thúc bằng tình trạng giảm phát và giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong 7 thập kỷ qua.
 
Suy thoái kinh tế đã lan rộng tới khu vực các nước sử dụng đồng euro (Eurozone), Nhật Bản và Mỹ, và khiến nền kinh tế đang nổi Trung Quốc trải qua giai đoạn tăng trưởng chậm chạp khi cũng đã bắt đầu "ngấm" những tác động nghiêm trọng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Nhìn lại sự biến thiên giá dầu mỏ trong năm 2008, ngày 2/1/2008, giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 100 USD/thùng, do các nhà giao dịch lo ngại về vấn đề bạo lực tại quốc gia xuất khẩu dầu mỏ Nigiêria và các vấn đề nguồn cung tại thị trường chủ chốt Mỹ. Sau đó, giá dầu liên tiếp tăng giá trên 120, 130, 140 USD/thùng và đạt mức đỉnh hồi tháng 7/08. OPEC từng đổ lỗi cho các nhà đầu cơ đã đẩy giá dầu lên và gây lạm phát thị trường, trong khi các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ chủ chốt viện dẫn nguồn cung dầu mỏ thấp là nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu tăng cao. Trong vòng 2 năm qua, giá dầu cũng đã tăng đáng kể do nhu cầu lớn từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ, cùng vấn đề xung đột giữa Iran và phương Tây về chương trình hạt nhân của Têhêran. Ngoài ra, giá cả biến động cao trong năm 2008 do đồng USD yếu đã khuyến khích nhu cầu các mặt hàng định giá theo USD, bởi chúng rẻ hơn đối với các khách hàng sử dụng các ngoại tệ khác.
 
Tuy nhiên, kể từ tháng 7/08 dầu mỏ đã mất giá hơn 100 USD xuống quanh 40 USD/thùng -mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, cùng những số liệu thống kê xấu hơn dự báo về công ăn việc làm tại Mỹ đã làm gia tăng viễn cảnh sụt giảm nghiêm trọng trong nhu cầu dầu mỏ tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) -hiện chiếm khoảng 40% sản lượng dầu mỏ thế giới- đã và đang cố gắng ngăn chặn đà xuống giá dầu mỏ nhằm bảo vệ nguồn thu nhập quan trọng này. Như vậy trong năm 2008, OPEC đã cắt giảm tổng số 4,2 triệu thùng/ngày để ngăn chặn đà dầu mỏ rớt giá.
 
Nhà phân tích chiến lược tại Merrill Lynch, Francisco Blanch, cũng kết luận rằng do nhu cầu tại các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ chủ chốt sụt giảm nên việc giá dầu hồi phục mạnh trong nửa đầu năm 2009 là không thể xảy ra. Giá dầu mỏ hy vọng sẽ bình ổn trở lại vào cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010.
 
(ViệtStock)

ĐỌC THÊM