Sau quyết định của Nga, giá dầu thế giới đã tăng trở lại, động thái làm gia tăng hy vọng các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ ký thỏa thuận để thúc đẩy thị trường năng lượng.
Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Hãng thông tấn TASS dẫn lời một đại diện Bộ Năng lượng Nga cho biết nước này đã đồng ý giảm 14% sản lượng khai thác dầu (khoảng 1/,6 triệu thùng/ngày) so với mức quý I theo thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC+).
Sau quyết định của Nga, giá dầu thế giới đã tăng trở lại, động thái làm gia tăng hy vọng các nước sản xuất dầu mỏ chủ chốt sẽ ký thỏa thuận để thúc đẩy thị trường năng lượng vốn đang rất ảm đạm do tác động của đại dịch COVID-19.
Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đã tăng khoảng 3% lên 25,84 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London tăng 0,7% lên 33,08 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước đó, giá dầu Brent cũng tăng khoảng 3%.
Giá dầu đã “lao dốc” trong thời gian qua do nhu cầu dầu giảm mạnh vì ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 và tình trạng dư thừa nguồn cung. Giá dầu Brent trong ngày 30/3 vừa qua đã giảm xuống còn 21,65 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ năm 2002.
Theo thỏa thuận của OPEC+, các nước khác cũng sẽ giảm sản lượng theo tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn từ chối đàm phán về vấn đề cắt giảm sản lượng dầu với các nước khác.
Trước đó, hôm 7/4, một nguồn tin của Nga đã đề cập đến việc Nga và Saudi Arabia không thể thống nhất về khối lượng dầu cắt giảm, dù hai bên thống nhất cần giảm bớt tổng cộng khoảng 10 triệu thùng dầu/ngày trên thị trường.
Thêm vào đó, hai nước khai thác dầu chủ chốt này đều yêu cầu đưa các nhà sản xuất của Mỹ vào thỏa thuận.
Cuộc họp OPEC+ sẽ diễn ra trong ngày 9/4. Ngoài Nga, 7 nước khai thác dầu lớn ngoài OPEC đã được mời tham dự.
Mỹ và Canada, những nước đóng vai trò then chốt trong việc tham gia vào thỏa thuận cắt giảm, đã không được mờ. Ngoài ra, Argentina, Brazil, Na Uy, Colombia, Ai Cập, Indonesia, Trinidad và Tobago có thể tham gia cuộc đàm phán theo hình thức trực tuyến này.
Theo kế hoạch, cuộc họp cấp bộ trưởng năng lượng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra vào ngày 10/4. Các nhà đàm phán không loại trừ khả năng sau thỏa thuận sơ bộ của OPEC+, họ sẽ có thể thuyết phục Mỹ tham gia giảm sản lượng khai thác./.
Nguồn tin: vietnamplus.vn