Giá dầu Brent tăng gần 8% trong ngày 23/4 khi thị trường lo ngại nguồn cung tại Trung Đông bị ảnh hưởng do Mỹ và Iran leo thang căng thẳng.
Thị trường dầu thế giới phục hồi trong phiên giao dịch này do mối lo ngại về nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông, kỳ vọng các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm sản lượng để giải quyết tình trạng thừa cung và các gói kích thích kinh tế hạn chế tác động của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, giá dầu Brent nhích 1,53 USD, tương đương 7,5%, lên 21,90 USD/ thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng tăng 1,53 USD, tương đương 11,1%, lên mức 15,31 USD / thùng.
Trước đó, hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trumptuyên bố đã chỉ thị cho Hải quân nước này khai hỏa vào bất cứ tàu nào của Iran quấy nhiễu lực lượng này trên biển, một tuần sau khi 11 tàu của Hải quân Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) áp sát một cách nguy hiểm các tàu Mỹ ở vùng Vịnh.
Giá dầu phục hồi mạnh trong phiên 23/4 do lo ngại nguồn cung tại Trung Đông có thể ảnh hưởng.
"Tôi đã chỉ thị cho Hải quân Mỹ bắn hạ và phá hủy bất cứ hay toàn bộ tàu chiến của Iran nếu chúng quấy nhiễu các tàu của chúng tôi trên biển" -Tổng thống Trump viết trên tài khoản Twitter.
Động thái trên diễn ra vài giờ sau khi IR+GC tuyên bố đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên lên quỹ đạo.
“Căng thẳng Mỹ - Iran đang đe dọa đến sự ổn định của nguồn cung dầu mỏ tại Trung Đông, điều này có thể đẩy giá dầu đi lên. Tuy nhiên, yếu tố này chỉ có ảnh hưởng đến thị trường nhiên liệu trong ngắn hạn, đà phục hồi của giá daauif khó có thể được duy trì lâu dài, trừ khi tình hình địa chính trị tiếp tục leo thang hơn nữa”, Warren Patterson - phụ trách cnghiên cứu đầu tư hàng hóa của Warren ING, nhận xét.
Thị trường “vàng đen” vừa trải qua một trong những tuần biến động nhất từ trước đến nay. Do tình trạng dư cung và nhu cầu năng lượng giảm mạnh khiến giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ giao tháng 5 giảm xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử vào ngày 20/4 vừa qua.
Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu nhiên liệu toàn cầu giảm hơn 30% và các công ty năng lượng tại Mỹ - quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, phải cạnh tranh để tìm kho dự trữ dầu dư thừa. Giá dầu Brent hiện đã mất khoảng 70% giá trị kể từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định rằng thị trường năng lượng có thể không phải chứng kiến thêm cú sốc giảm giá thê thảm trong phiên đầu tuần này.
Trong bối cảnh lượng dầu tiêu thụ đang sụt mạnh, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, trong đó có Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, sẽ cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày từ ngày 1/5 tới.
Ngoài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung này, một số thành viên trong nhóm OPEC+ đang cam kết giảm thêm sản lượng để cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Giới chuyên gia phân tích cho rằng thỏa thuận cắt giảm sản lượng kỷ lục của OPEC+ có thể sẽ phải được mở rộng để phù hợp với sự sụt giảm trong nhu cầu.
Về nguồn cung, lượng dầu Urals của Nga được vận chuyển từ Biển Baltic trong 10 ngày đầu tháng 5 tới dự kiến sẽ giảm 36% so với tháng này, cho thấy Moscow đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm nguồn cung của OPEC+.
Tại Mỹ, cơ quan quản lý năng lượng của bang Oklahoma cho biết các công ty có thể đóng cửa các giếng dầu mà không bị mất hợp đồng thuê của mình. Oklahoma là bang sản xuất dầu lớn thứ tư của nước này.
Trong khi đó, số liệu mới đây của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu thô, xăng và nhiên liệu chưng cất dự trữ của Mỹ đã tăng trong tuần trước. Cụ thể, lượng dầu thô dự trữ đã tăng 15 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/4 lên 518,6 triệu thùng, gần mức cao kỷ lục 535 triệu thùng ghi nhận năm 2017.
Bên cạnh đó, kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới của Quốc hội Mỹ để hỗ trợ các DN nhỏ hạn chế tác động từ dịch bệnh Covid-19 đã cải thiện tâm lý thị trường trên các thị trường toàn cầu.
Thượng viện Mỹ hôm 22/4 đã nhất trí thông qua gói cứu trợ mới trị giá 484 tỷ USD dành cho DN nhỏ đang phải “vật lộn” với thiệt hại kinh tế do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Hạ viện Mỹ dự kiến cũng thông qua trong ngày 23/4.
Nguồn tin: kinhtedothi.vn