Giá dầu thế giới tăng gần 1% trong phiên 18/11 trước hy vọng các nước trong và ngoài OPEC+ sẽ hoãn kế hoạch tăng sản lượng dầu và sau khi nhà sản xuất thuốc Pfizer của Mỹ thông báo tính hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 do hãng này sản xuất đã tăng lên so với trước đó.
Tại một trạm xăng ở Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc.
Thị trường năng lượng cũng được tiếp sức nhờ báo cáo cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến trong tuần trước.
Khép phiên ngày 18/11, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 59 xu Mỹ (1,4%) lên 44,34 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ WTI tăng 39 xu Mỹ (0,9%) lên 41,82 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt ngày đều tăng khoảng 1% sau khi Pfizer Inc cho hay vắc-xin thử nghiệm ngừa COVID-19 do hãng này nghiên cứu đã phát huy hiệu quả tới 95% trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, cao hơn so với mức 90% được thông báo trong tuần trước. Ngày 16/11, hãng Moderna cũng thông báo vắc-xin do hãng này nghiên cứu cũng phát huy hiệu quả tới 95%.
Trong khi đó, để giải quyết nhu cầu năng lượng yếu giữa bối cảnh của làn sóng COVID-19 thứ hai, Saudi Arabia đã kêu gọi các nước trong và ngoài Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), hay còn gọi là OPEC+ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và sẵn sàng điều chỉnh thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
OPEC+ đã có cuộc gặp vào ngày 17/11, nhưng không đưa ra thông báo chính thức nào. Nhóm này dự kiến sẽ thảo luận chính sách tại cuộc họp các Bộ trưởng, được tổ chức vào ngày 30/11 và 1/12.
Các nguồn tin cho hay có khả năng các thành viên OPEC+ sẽ nhất trí hoãn kế hoạch tăng sản lượng khoảng 2 triệu thùng/ngày vào tháng 1/2021 và thời gian trì hoãn có thể kéo dài 3 đến 6 tháng.
Lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ đã tăng 768.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn so với dự báo tăng 1,7 triệu thùng mà các chuyên gia thuộc hãng tin Reuters đưa ra. Dự trữ các sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, giảm khoảng 5,2 triệu thùng, nhiều hơn so với dự kiến.
Nguồn tin: Tài chính