Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu thế giới phục hồi hơn 1% trong phiên 6/4

 Giá dầu thế giới tăng 1% trong phiên 6/4 nhờ các số liệu kinh tế mạnh mẽ từ Trung Quốc và Mỹ, qua đó bù đắp một số mức giảm giá sâu của phiên đầu tuần.

Phiên này, giá dầu tăng 59 xu Mỹ (tương đương 1%) lên 62,74 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tiến thêm 68 xu Mỹ (1,2%) lên 59,33 USD/thùng.

Giá hai loại dầu tiêu chuẩn trên đã tăng khi các báo cáo mới nhất cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng Ba. Vào cùng giai đoạn, lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc cũng mở rộng mạnh mẽ với doanh số bán hàng tăng nhanh nhất trong ba tháng qua.

Việc nước Anh dự kiến nới lỏng các hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19 vào ngày 12/4, trong đó cho phép các nhà hàng, phòng tập thể thao, tiệm làm tóc và các địa điểm ngoài trời mở cửa trở lại cũng hỗ trợ giá dầu đi lên trong phiên này.

Trong phiên đầu tuần 5/4, cả hai loại dầu tiêu chuẩn đều giảm khoảng 3 USD do kế hoạch nâng dần sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối.

Bà Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu của công ty tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết dù OPEC + đã đi ngược lại hầu hết kỳ vọng của nhà đầu tư và giới quan sát, thị trường hiện đang báo hiệu rằng họ chấp nhận động thái đó và sẵn sàng hưởng lợi từ sự ổn định.

Thông tin về số ca mắc COVID-19 mới gia tăng ở Ấn Độ và một số khu vực của châu Âu cũng khiến thị trường lo ngại. Việc một số chính phủ châu Âu phải tái áp đặt các lệnh phong tỏa mới cũng ảnh hưởng đến giá năng lượng.

Nhà phân tích Warren Patterson của ngân hàng ING nói diễn biến này làm dấy lên lo ngại về khả năng phục hồi trong nhu cầu năng lượng. Vì trong hiện tại, một phần lớn lòng tin trên thị trường dựa trên giả định rằng nhu cầu dầu sẽ phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay.

Giới đầu tư cũng đang chú ý tới các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna giữa Mỹ và Iran vào thứ Ba (theo giờ địa phương) để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới. Nếu thành công, điều này có thể dẫn đến việc Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Iran.

Dù có những lo ngại, ngân hàng Goldman Sachs nhận định bất kỳ sự phục hồi tiềm năng nào trong hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ không ảnh hưởng lớn đối với thị trường. Ngân hàng này dự báo ngành năng lượng Iran sẽ chưa phục hồi hoàn toàn trước mùa Hè năm 2022./.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM