Giá dầu thô phục hồi từ mức thấp kỷ lục trong năm ngoái nhờ sự hỗ trợ từ các đợt cắt giảm mạnh sản lượng, và phần lớn thỏa thuận cắt giảm vẫn được duy trì sau tháng Bảy
Giá dầu thế giới giảm hơn 4% trong phiên giao dịch 5/4, trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tăng sản lượng khai thác cùng với mối đe dọa của một làn sóng lây nhiễm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nghiêm trọng khác, đã làm lu mờ đi các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent giao tháng Sáu giảm 2,71 USD, hay 4,2%, xuống 62,15 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,80 USD, hay 4,6% xuống còn 58,65 USD/thùng.
Theo thỏa thuận đạt được ngày 1/4, OPEC+ sẽ tăng sản lượng khai thác hàng tháng trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7/2021, điều này đồng nghĩa với việc OPEC+ sẽ chỉ cắt giảm hơn 6,5 triệu thùng dầu/ngày từ tháng Năm, so với mức cắt giảm 7 triệu thùng/ngày trước đó và Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, thành viên OPEC là Iran được miễn thực hiện việc cắt giảm tự nguyện, cũng sẽ tăng cường nguồn cung ứng “vàng đen”.
Giá dầu thô phục hồi từ mức thấp kỷ lục trong năm ngoái nhờ sự hỗ trợ từ các đợt cắt giảm mạnh sản lượng, và phần lớn thỏa thuận cắt giảm vẫn được duy trì sau tháng Bảy.
Ngoài ra, triển vọng kinh tế toàn cầu còn trở nên ảm đạm bởi một làn sóng lây nhiễm dịch COVID-19 khác. Số ca lây nhiễm dịch COVID-19 tăng đột biến tại Ấn Độ, Canada và nhiều quốc gia khác, trong khi Pháp siết chặt các lệnh phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Mỹ chứng kiến tăng trưởng việc làm trong tháng Ba vượt quá 900.000 việc làm, và thậm chí là một trong những quốc gia triển khai tiêm chủng vaccine ngừa dịch COVID-19 cho người dân nhanh nhất thế giới./.
Nguồn tin: Bnews