Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu thế giới phiên 3/8 giảm xuống mức thấp nhất gần sáu tháng

 Giá dầu thế giới giảm khoảng 4% trong phiên giao dịch 3/8 xuống mức thấp nhất trong gần sáu tháng.

Giá dầu giảm sau khi số liệu của Mỹ cho thấy lượng xăng và dầu thô dự trữ của nước này bất ngờ tăng mạnh trong tuần trước và Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ cho biết sẽ nâng mức mục tiêu sản lượng dầu thêm 100.000 thùng/ngày.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 3,76 USD, hay 3,7%, xuống 96,78 USD/thùng, mức đóng phiên thấp nhất kể từ ngày 21/2. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,76 USD, hay 4%, xuống 90,66 USD/thùng, mức khép phiên thấp nhất kể từ ngày 10/2. Trước đó, giá dầu WTI đã có thời điểm chạm mức thấp nhất trpong phiên là 90,38 USD/thùng, cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 25/2.

Sự chênh lệch giá giữa dầu Brent có kỳ hạn giao sớm nhất và các hợp đồng có kỳ hạn giao trong sáu tháng nữa đang ở mức thấp nhất trong ba tháng qua, cho thấy những lo ngại về nguồn cung thắt chặt đã dịu xuống. Sự chênh lệch này của dầu WTI cũng đang ở gần mức thấp nhất trong bốn tháng qua.

Theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này đã bất ngờ tăng 4,5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với mức tăng dự đoán 600.000 thùng của giới phân tích, do xuất khẩu giảm và các công ty lọc dầu giảm lượng dầu lọc.

Bên cạnh đó, nhu cầu suy yếu cũng khiến lượng xăng dự trữ tại Mỹ tăng 200.000 thùng, trái ngược dự đoán giảm 1,6 triệu thùng.

Trong khi đó, OPEC+ đã nhất trí tăng nhẹ mục tiêu sản lượng tương đương khoảng 1% nhu cầu dầu toàn cầu. Trước cuộc họp này, OPEC+ đã giảm 200.000 thùng trong dự báo tăng dự thị trường dầu năm nay xuống còn 800.000 thùng.

Tác động đến giá dầu trong phiên này còn có những phát biểu của các quan chức Iran và Mỹ cho biết họ đang đến Vienna, Áo để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp về thỏa thuận hạt nhân Iran, làm dấy lên hy vọng về khả năng các lệnh trừng phạt với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sẽ được dỡ bỏ.

Về phía cung, các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 3/8 đã một lần nữa thể hiện quyết tâm kiềm chế lạm phát. Diễn biến này khiến chỉ số đồng USD, thước đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên, gây áp lực lên nhu cầu vì khiến dầu trở nên đắt hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác./.

Nguồn tin: Bnews

ĐỌC THÊM