Giá dầu thế giới biến động trái chiều với biên độ dao động khá hẹp trong phiên giao dịch ngày 27/1, bất chấp sự sụt giảm về dự trữ dầu thô của Mỹ.
Giếng dầu của mỏ dầu Bibi Heybat ở ngoài khơi Biển Caspi , Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN
Giá dầu thế giới biến động trái chiều với biên độ dao động khá hẹp trong phiên giao dịch ngày 27/1, bất chấp sự sụt giảm về dự trữ dầu thô của Mỹ, giữa bối cảnh giới đầu tư vẫn quan ngại rằng diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tiếp tục hạn chế nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ trên toàn cầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 24 xu Mỹ, lên 52,85 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tại thị trường London lại hạ 10 xu Mỹ, xuống 55,81 USD/thùng.
Đà đi lên của giá dầu trong phiên này được hỗ trợ với lập trường chính sách ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp chính sách mới nhất. Các quan chức của Fed cho biết, ngân hàng này sẽ duy trì mức lãi suất cho vay ở mức gần 0% và cam kết tiếp tục tăng cường mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ nền kinh tế đối phó với tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu ngày càng gia tăng, đã vượt qua con số 100 triệu, đặc biệt là tại châu Âu và châu Mỹ, trong khi châu Á đang nỗ lực để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch mới. Điều này đã tạo áp lực giảm lên giá dầu khi triển vọng tiêu thụ dầu trở nên u ám hơn.
Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, gần đây đã chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch COVID-19. Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, 75 trường hợp mắc COVID-19 mới được xác nhận tại nước này vào ngày 27/1, mức tăng hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 11/1.
Các nhà phân tích cho biết, giá dầu có thể được hưởng lợi từ việc sản lượng dầu của Mỹ giảm do các quy định ngành chặt chẽ hơn của chính quyền tân Tổng thống Joe Biden. Ngày 27/1, Chính phủ Mỹ đã tạm tạm dừng các hợp đồng thuê dầu khí mới trên đất liên bang và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, khi ông Biden quyết tâm theo đuổi các chính sách xanh./.
Nguồn tin: Bnews