Giá vàng thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 25/1 tại Sàn giao dịch hàng hóa New York, khi đồng USD tăng và giá dầu thế giới tăng khoảng 1%.
Hợp đồng vàng giao tháng Hai được giao dịch nhiều nhất giảm 1 USD, hay 0,05%, chốt phiên ở mức 1.855,2 USD/ounce.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng các nhà đầu tư sẽ mua vào trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong hai ngày 26-27/1. Nhu cầu với vàng có thể vẫn mạnh trong ngắn và trung hạn trước khả năng có thêm các biện pháp kích thích kinh tế và từ đó khiến lạm phát có thể vẫn cao.
Đà giảm của giá vàng được hạn chế khi nhu cầu với trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ giảm, khi lãi suất thấp hơn. Các nhà phân tích thị trường nhận định các nhà đầu tư lo ngại về những tác động kinh tế của các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 khi xuất hiện một số biến thể mới của virus SARS-COV-2 với khả năng lây lan nhanh hơn, dù vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu được phân phối.
Trong phiên này, giá bạc giao tháng Ba giảm 7,2 xu, hay 0,28%, xuống 25,484 USD/ounce. Giá bạch kim giao tháng Tư giảm 6,9 USD, hay 0,62%, xuống 1.104,7 USD/ounce.
Tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,00- 56,57 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Một cơ sở khai thác dầu tại Al-Rawdhatain, Kuwait. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong phiên giao dịch 25/1, giá dầu thế giới tăng khoảng 1% nhờ tâm lý lạc quan về các biện pháp kích thích mới dành cho kinh tế Mỹ và một số lo ngại về nguồn cung.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 47 xu Mỹ (0,9%) lên 55,88 USD/thùng, còn giá dầu chuẩn Tây Texas tăng 50 xu Mỹ (1%) lên 52,77 USD/thùng.
Chính phủ của tân Tổng thống Mỹ đang nỗ lực giải quyết những lo ngại của đảng Cộng hòa rằng đề xuất về gói kích thích trị giá 1.900 tỷ USD là quá lớn.
Chuyên gia Bjornar Tonhaugen, thuộc Rystad Energy nhận định tân Tổng thống Mỹ đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình thông qua gói cứu trợ trên để hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế và điều này được đánh giá là nhân tố có lợi cho tiêu thụ dầu mỏ.
Về phía nguồn cung, theo Petro-Logistics, mức độ tuân thủ thoả thuận cắt giảm sản lượng của các nước trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1/2021 đạt 85%. Số liệu này cho thấy OPEC và các đồng minh đã nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các cam kết hạn chế nguồn cung.
Trong khi đó, sản lượng dầu từ mỏ Tengiz khổng lồ của Kazakhstan đã bị gián đoạn do mất điện vào ngày 17/1. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý sự gia tăng các ca mắc COVID-19 mới tại Trung Quốc đang “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu tại quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới.
Theo thống kê, trong ngày 21/1, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 94 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến ngày 21/1, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 88.804 ca nhiễm, trong đó có 4.635 ca tử vong do COVID-19.
Nguồn tin: TTXVN