Giá dầu thế giới giảm nhiều phiên gần đây khiến người tiêu dùng kỳ vọng giá xăng trong nước tại kỳ điều hành ngày 21/8 sẽ giảm theo.
Theo ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng), nếu giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống thì trong kỳ điều hành ngày 21/8, giá xăng trong nước rất có thể giảm khoảng 500 - 800 đồng/lít, dầu diesel cũng có thể giảm 300 - 600 đồng/lít,kg. Tuy nhiên, nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính trích quỹ bình ổn thì giá xăng có thể giảm ít hơn.
Cùng chung nhận định, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch Chi hội Xăng dầu, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết, những phiên giao dịch gần đây, giá dầu trên thế giới liên tiếp giảm, tạo cơ hội để giá xăng dầu bán lẻ trong nước giảm theo.
“Hiện nay, thị trường xăng dầu trong nước rất nhanh nhạy, bám theo giá thế giới, giá dầu thế giới thay đổi là giá trong nước cũng được điều chỉnh theo. Đây là sự điều hành nhịp nhàng của các cơ quan chức năng, phản ánh giá xăng dầu đã từng bước theo thị trường. Có thể trong kỳ điều hành tới, giá xăng được điều chỉnh giảm 500 - 900 đồng/lít, giá dầu cũng giảm 400 - 600 đồng/lít/kg”, bà Hường nói.
Giá xăng dầu trong nước dự báo sẽ giảm trong kỳ điều hành ngày 21/8. (Ảnh minh họa: Công Hiếu).
Hiện giá xăng dầu ngày đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/8 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng RON95 ở mức 23.990 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít); xăng E5 RON92 là 22.820 đồng/lít (tăng 30 đồng/lít); giá dầu diesel là 22.420 đồng/lít (tăng 1.810 đồng/lít); giá dầu hỏa là 21.880 đồng/lít (tăng 1.610 đồng/lít).
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 21 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
Trên thị trường thế giới, úc 6h ngày 18/8 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giao dịch ở mức 80 USD/thùng, tăng nhẹ 0,78 USD/thùng, trong khi dầu Brent giao dịch mức 84,12 USD/thùng, tăng 0,67 USD/thùng so với đầu giờ sáng qua.
Theo giới phân tích, giá xăng dầu đi lên nhờ lực mua bắt đáy ở vùng giá thấp sau 3 phiên giảm liên tiếp. Cùng với đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh. Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 16/8 cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm gần 6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 11/8 do xuất khẩu và tốc độ lọc dầu mạnh mẽ. Trong khi đó, tồn kho xăng giảm khiêm tốn, chỉ 300.000 thùng, còn tồn kho các sản phẩm chưng cất lại tăng 300.000 thùng.
Ngoài ra, rủi ro nguồn cung thắt chặt cũng nâng đỡ giá dầu. Nhiều chuyên gia nhận định, việc cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và Nga, hai thành viên quan trọng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, lực cản cho giá dầu hiện nay vẫn là đà tăng trưởng kinh tế kém sắc của Trung Quốc và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm yếu nhu cầu nhiên liệu tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Không để thiếu xăng dầu khi nhà máy Nghi Sơn dừng sản xuất
Từ ngày 25/8 tới đây, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ dừng sản xuất 55 ngày để bảo dưỡng sau gần 5 năm.
Để bù đắp đắp sản lượng xăng, dầu thiếu hụt trong thời gian tới, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn khẩn trương tăng tối đa công suất sản xuất các sản phẩm xăng dầu, nhằm góp phần cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thị trường. Chủ động xem xét thuê thêm kho để có sản lượng hàng dự trữ lớn nhất.
Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tạm dừng hoạt động kể từ ngày 25/8. (Ảnh minh họa).
Đồng thời, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp tăng nhập khẩu xăng dầu từ tháng 7, đảm bảo dự trữ bắt buộc theo quy định trong thời gian Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) dừng hoạt động.
Lọc hóa dầu Nghi Sơn được đưa vào vận hành từ năm 2018, nhà máy có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đóng góp từ 35 - 40% thị phần xăng dầu tiêu dùng nội địa và đóng góp ngân sách tỉnh Thanh Hóa khoảng 10.000 tỷ đồng/năm.
Nguồn tin: VTC News