Giá xăng dầu thế giới bất ngờ đảo chiều tăng khá mạnh, điều này có thể gây áp lực đến giá bán lẻ trong nước kỳ điều chỉnh ngày 21/12.
Theo đó, lúc 9h ngày 19/12, trên Oilprice, giá dầu WTI của Mỹ giao dịch ở mức 75,5 USD/thùng, tăng 1,63%; dầu Brent giao dịch mức 80,35 USD/thùng, tăng 1,6%. Tuy vậy, mức giá này vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 1 và 12/12 (mức 84,04 USD/thùng với xăng RON92, mức 88,44 USD/thùng với xăng RON95 và mức 111,284 USD/thùng với dầu diesel).
Dự báo cho thấy nếu trong hai ngày tới, giá dầu thế giới tiếp tục tăng thì khả năng giá xăng trong nước kỳ tới giảm rất thấp. (Ảnh minh họa)
Dữ liệu cập nhật mới nhất từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, trên thị trường Singapore, giá xăng A92 là 85,6 USD/thùng, xăng A95 là 89,7 USD/thùng, dầu diesel 120 USD/thùng, tăng nhẹ so với mấy ngày trước đó.
Trả lời VTC News, lãnh đạo một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự đoán giá xăng dầu trong nước có thể sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều hành tới nếu giá dầu thô thế giới giữ nguyên mức hiện tại. Tuy nhiên, nếu trong hai ngày tới, giá dầu thế giới tăng đột biến hoặc cơ quan điều hành trích lập mức cao thì giá bán lẻ xăng dầu sẽ khó giảm.
Kỳ điều hành ngày 12/12, Liên bộ Công Thương điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo hướng giảm đồng loạt tất cả các mặt hàng. Theo đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.330 đồng/lít, bán ra ở mức 20.340 đồng/lít, giá xăng RON95 giảm 1.500 đồng/lít, bán ra ở mức 21.200 đồng/lít.
Tương tự, giá dầu diesel giảm 1.543 đồng/lít, còn 21.670 đồng/lít. Đây là lần thứ ba liên tiếp giá xăng trong nước giảm. Tính từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng đã trải qua 33 lần điều chỉnh giá, trong đó có 17 lần tăng và 15 lần giảm, một lần giữ giá.
Liên bộ trích lập quỹ bình ổn giá đối với xăng E5 RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel ở mức 800 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Cơ quan điều hành không chi quỹ bình ổn giá đối với các loại xăng dầu.
Nguồn cung xăng dầu cơ bản ổn định
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được gần 150 kiến nghị của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ chuyển đến.
Nội dung tập trung chủ yếu liên quan đến vấn đề quản lý xăng dầu, về các sản phẩm hàng hóa thiết yếu và liên quan đến phát triển năng lượng, điện, trong đó có vấn đề điện năng xuất phát từ năng lượng tái tạo.
Về vấn đề xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, trong thời gian vừa qua cũng có một chút trục trặc, có nhiều các lý do, nguyên nhân và đã được phân tích, mổ xẻ kỹ.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Quốc hội cũng như dưới sự chỉ đạo rất quyết liệt và sát sao của Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Công Thương đã cố gắng làm sao để điều tiết đảm bảo được lượng cung xăng dầu trên thị trường.
Đến nay, tình hình về cung ứng xăng dầu về cơ bản đảm bảo ổn định.
Nguồn tin: VTC News