Để sử dụng Xangdau.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Xangdau.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Giá dầu thế giới không giữ được đà tăng do tác động của dịch COVID-19

Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới - vừa áp dụng lệnh giới hạn đi lại trên toàn quốc do dịch COVID-19 càng khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trên toàn thế giới sụt giảm.

Cảnh vắng lặng trên đường phố do dịch COVID-19. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 24/3, nhưng không giữ được mức tăng cao đầu phiên khi những ảnh hưởng nặng nề của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nhu cầu đã lấn át những kỳ vọng dành cho gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD sắp tới của Mỹ.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 12 xu Mỹ, hay 0,4%, lên 27,15 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ tăng 65 xu Mỹ, hay 2,8%, và đóng phiên ở mức 24,01 USD/thùng.

Vào đầu phiên giá hai loại dầu này tăng hơn 5%.

Tại Ấn Độ, nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới với 1,3 tỷ dân, Thủ tướng Narendra Modi thông báo áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày tính từ đêm 24/3.

Đây là quốc gia tiêu thụ nhiều dầu gần đây nhất công bố các lệnh giới hạn hoạt động đi lại, vốn đã làm giảm nhu cầu xăng và nhiên liệu trên toàn thế giới.

Thị trường dầu đang cùng lúc phải đối mặt với hai cú sốc.

Cuộc chiến về giá giữa Saudi Arabia và Nga đã khiến lượng cung dầu gia tăng, trong khi tình hình dịch bệnh đang làm nhu cầu dầu giảm ít nhất là 10% trên toàn thế giới.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngày 23/3 đã đưa ra nhiều chương trình, trong đó có việc lần đầu tiên hỗ trợ mua trái phiếu doanh nghiệp.

Các nghị sỹ Cộng hòa và Dân chủ ở Thượng viện ngày 24/3 cho biết đang tiến gần đến một thỏa thuận về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD để ứng phó với tác động của dịch COVID-19.

Giá dầu đã giảm một nửa trong năm 2020, do cú sốc nhu cầu từ dịch COVID-19 và những biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cũng như việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga (OPEC+), dỡ bỏ giới hạn nguồn cung dầu, khi thỏa thuận của OPEC+ đổ vỡ vào đầu tháng Ba vừa qua./.

Nguồn tin: vietnamplus.vn


 

ĐỌC THÊM