Trong phiên giao dịch ngày 14/1, giá dầu thế giới tăng nhẹ sau khi giảm 5 phiên liên tiếp, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký kết một thỏa thuận thương mại giai đoạn một sơ bộ và tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông hạ nhiệt.
Một cơ sở khai thác dầu của Iran trên đảo Khark. Ảnh: AFP/TTXVN
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn tăng 29 xu Mỹ (hay 0,5%) lên 64,49 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 15 xu Mỹ lên 58,23 USD/thùng.
Theo báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng bất ngờ trong tuần trước. Theo API, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng 1,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 10/1, trái ngược với dự báo giảm 474.000 thùng của nhiều chuyên gia. Bộ Năng lượng Mỹ sẽ công bố số liệu chính thức về dự trữ dầu mỏ hàng tuần của Mỹ trong ngày 15/1.
Kỳ vọng Mỹ, Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1, được xem như một bước đi quan trọng để chấm dứt các tranh chấp thương mại, vốn ảnh hưởng xấu đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tác động đến nhu cầu dầu mỏ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có kế hoạch ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào ngày 15/1, sau cuộc chiến thuế quan kéo dài gần 18 tháng. Thỏa thuận này là bước đi đầu tiên hướng đến một thỏa thuận thương mại toàn diện hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, Trung Quốc cam kết sẽ mua các mặt hàng năng lượng trị giá hơn 50 tỷ USD từ Mỹ trong 2 năm tới.
Bất chấp các ảnh hưởng từ việc tranh chấp thương mại, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc năm 2019 tăng 9,5%, ghi dấu kỷ lục 17 năm tăng liên tiếp, do nhu cầu dầu thô tăng cao từ các nhà máy lọc dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo tốc độ tăng sản lượng dầu mỏ ở nền kinh tế số 1 thế giới sẽ chậm lại còn 3% vào năm 2021, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2016.
Nguồn tin: baotintuc.vn