Giá dầu thế giới phiên chiều (8/7) giảm tiếp trong bối cảnh các nước sản xuất dầu lớn như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) không thể giải quyết những bất đồng để nhất trí về chính sách sản lượng dầu của OPEC+.
Giá dầu Brent giảm 23 US cent tương đương 0,3% xuống 73,20 USD/thùng, trong khi dầu thô Mỹ (WTI) giảm 33 US cent, tương đương 0,5% xuống mức 71,87 USD/thùng.
Giá dầu Brent đã giảm khoảng 5% kể từ phiên đóng cửa thứ hai (5/7) sau khi các cuộc đàm phám giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ không đi đến thống nhất khi nhà lãnh đạo Saudi Arabia từ chối yêu cầu của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về việc tăng sản lượng.
OPEC + đã hạn chế nguồn cung trong hơn một năm kể từ khi nhu cầu giảm do đại dịch Covid-19. Tổ chức đang duy trì cắt giảm sản lượng gần 6 triệu thùng/ngày và dự kiến sẽ bổ sung vào nguồn cung, nhưng phiên họp không đi đến thống nhất.
Hiện tại, thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện hành của OPEC+ vẫn có hiệu lực. Nhưng sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán vừa qua có thể khiến các nước sản xuất dầu, với mong muốn tận dụng sự phục hồi trong nhu cầu, bắt đầu gia tăng sản lượng nhiều hơn dự đoán trước đó.
Giá dầu đã được hỗ trợ từ sự sụt giảm lớn trong kho dự trữ dầu ở Mỹ. Dự trữ dầu tại quốc gia sử dụng dầu lớn nhất thế giới đã giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/7, trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, khác so với ước tính giảm 4 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Cơ quan năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu của Mỹ sẽ đạt 11,10 triệu thùng/ngày vào năm 2021, giảm 210.000 thùng/ngày so với năm 2020.
Những lo ngại làn sóng mới về dịch Covid-19 đã đè nặng lên giá cả, với việc Nhật Bản, nước sử dụng dầu lớn thứ tư thế giới, sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp cho khu vực Tokyo đến hết ngày 22 tháng 8 trong bối cảnh nhiều ca nhiễm mới và Hàn Quốc báo cáo mức nhiễm COVID-19 cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn tin: Vinanet