Số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên thế giới tăng mạnh buộc nhiều nước tái áp đặt các biện pháp cách ly, khiến giá dầu thế giới giảm hơn 5% trong phiên giao dịch 28/10, theo đó giá dầu Brent ở mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Tại một trạm xăng ở Changwon, tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 2,08 USD (5,1%) xuống 39,12 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 2,18 USD (5,5%) xuống 37,39 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với dầu Brent kể từ ngày 12/6 và đối với dầu WTI kể từ ngày 2/10, cũng là tỷ lệ giảm giá theo ngày lớn nhất đối với cả hai loại dầu kể từ ngày 8/9.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng hơn dự kiến vào tuần trước do sản lượng tăng lên mức kỷ lục cũng là yếu tố gây áp lực đối với giá dầu.
Andy Lipow, Giám đốc trung tâm Lipow Oil Associates, cho biết sản lượng dầu của Mỹ tăng dẫn đến dự trữ dầu thô tăng, và do các đợt giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19 ở châu Âu càng khiến thị trường dầu mỏ ảm đạm.
Theo các nhà phân tích, đồng USD đã tăng giá 0,5% do các quốc gia Đức và Pháp đang tăng cường giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Đồng USD mạnh khiến giá dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ ngoại tệ, theo đó ảnh hưởng đến giá dầu thô. Giá dầu thô cũng bị ảnh hưởng bởi gói kích thích kinh tế mới của Mỹ khó có thể được thông qua trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tuần tới, cũng như nguồn cung dầu mỏ của Libya tăng.
Bảng giá chứng khoán tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng ngày, chứng khoán Phố Wall cũng đi xuống do lo ngại gia tăng ngày càng nhiều nước công bố các biện pháp hạn chế mới chống dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng trở lại ở cả Mỹ và châu Âu.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 940 điểm (3,4%) xuống 26.519,95 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 3,5% xuống 3.271,03 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3,7% xuống 11.004,87 điểm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây thông báo rằng các quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp không thiết yếu ở nước này sẽ phải đóng cửa ít nhất một tháng. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo các biện pháp tương tự tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Các chuyên gia nhận định các biện pháp mới của Đức và Pháp chắc chắn sẽ đè nặng lên kinh tế châu Âu và làm gia tăng lo ngại rằng Mỹ có thể áp dụng các biện pháp tương tự trong những tuần tới nếu các ca lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng.
Chuyên gia Chris Low của FHN Financial cho rằng các nhà đầu tư thất vọng về việc Quốc hội Mỹ vẫn chưa thể thông qua gói kích thích kinh tế bổ sung. Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay sau ngày bầu cử Tổng thống 3/11 tới, các nghị sỹ của đảng Cộng hòa sẽ thông qua một gói cứu trợ mới cho nền kinh tế Mỹ. Phát biểu này của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như là thừa nhận rằng ông đã không thể thúc đẩy Quốc hội Mỹ đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ mới trong tuần cuối cùng trước ngày bầu cử.
Nguồn tin: baotintuc.vn