Giá dầu thế giới giảm 4% trong phiên giao dịch ngày 25/3, kéo theo một chuỗi suy yếu của thị trường do các đợt phong tỏa xã hội mới ở châu Âu và châu Á, do tỷ lệ mắc COVID-19 gia tăng.
Giá dầu mất phần lớn mức tăng ở với phiên trước sau tin tức về một tàu container lớn mắc cạn ở kênh đào Suez. Con tàu vẫn chưa được đưa ra khỏi tình trạng mắc cạn song hiện tại thị trường không còn chịu nhiều tác động của sự cố trên bởi chỉ có một phần nhỏ dầu thô trên thế giới được vận chuyển qua kênh đào này.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 2,62 USD (4,3%), xuống 58,56 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao kỳ hạn tại London (Anh) giảm 2,46 USD, tương đương 3,8%, xuống còn 61,95 USD/thùng.
Các quốc gia ở châu Âu đang gia hạn các lệnh phong tỏa để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng từ khu vực này. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh nhất kể từ tháng 1/2021.
Trong khi đó, ở các vùng phía Tây Ấn Độ, chính quyền đã ra lệnh cho người dân ở trong nhà vì tỷ lệ mắc COVID-19 mới đạt mức cao nhất trong 5 tháng.
Việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 ở Mỹ đã diễn ra nhanh hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng các chuyên gia y tế vẫn lo ngại rằng hoạt động du lịch nghỉ Xuân sẽ thúc đẩy sự gia tăng các trường hợp mắc COVID-19 ở Mỹ.
Đồng USD mạnh cũng ảnh hưởng đến giá dầu. Phiên này, chỉ số đồng USD đạt mức cao mới trong bốn tháng so với đồng euro khi phản ứng trước đại dịch của Mỹ tiếp tục vượt châu Âu. Đồng USD tăng giá khiến giá dầu, vốn được định giá bằng "đồng bạc xanh" trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, còn được gọi là OPEC+, dự kiến sẽ cắt giảm nguồn cung hiện tại của họ vào tháng 5 tới tại một cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 1/4. Trước đó, OPEC+ gần đây đã từ chối tăng nguồn cung do lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 sẽ tăng trở lại.
Dự trữ dầu thô của Mỹ ngày 24/3 đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 12/2020, bổ sung vào nguồn cung toàn cầu, qua đó cũng khiến giá dầu đi xuống.
Thị trường năng lượng cũng chịu nhiều áp lực do các nhà sản xuất gặp khó khăn khi bán hàng sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc. Các nguồn tin trong ngành cho biết, các khách hàng châu Á lấy dầu rẻ hơn từ kho dự trữ trong khi việc bảo trì nhà máy lọc dầu đã làm giảm nhu cầu của họ.
Nguồn tin: TTXVN