Giá dầu thế giới đi xuống trong phiên 25/9 và hai loại dầu chủ chốt đều giảm hơn 2% trong tuần qua, giữa lúc nguồn cung dầu dự kiến sẽ mở rộng trong những tuần tới.
Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN
Cụ thể, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn giảm 2 xu xuống 41,92 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) để mất 6 xu xuống 40,25 USD/thùng.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của công ty môi giới đầu tư Price Futures Group cho biết những lỗi lo sợ về làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai đang bao trùm thị trường dầu mỏ và điều đó đang kìm hãm giá dầu đi lên.
Tại quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Mỹ, tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở khu vực Midwest trong khi thành phố New York, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào mùa Xuân, đang xem xét các lệnh kiểm soát mới. Do đó, mức tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ vẫn khá chậm chạp do đại dịch hạn chế hoạt động đi lại và cản trở đà phục hồi của nền kinh tế.
Còn tại Ấn Độ, lượng tiêu thụ của các nhà máy lọc dầu tại đây trong tháng Tám đã giảm 26% so với cùng kỳ một năm trước và mức cao nhất trong bốn tháng qua, khi nhu cầu suy giảm do đại dịch đang cản trở hoạt động công nghiệp và vận tải ở nước này.
Tính chung trong cả tuần qua, giá dầu Brent giảm 2,9% và dầu WTI giảm 2,1% dù chỉ có hai phiên giảm giá và ba phiên tăng. Điều này là do trong phiên đầu tuần 21/9, Giá dầu thế giới giảm khoảng 5% và là mức giảm sâu nhất trong hai tháng, giữa bối cảnh số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng cao làm dấy lên lo ngại về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu giảm sút.
Ông Gary Cunningham, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, có trụ sở tại Stamford, Connecticut, cho biết hiện các thông tin đều có vẻ bất lợi về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu máy bay, bức tranh kinh tế toàn cầu có vẻ không còn “sáng sủa” như những nhận định trước đó.
Trong ba phiên liên tiếp sau đó từ 22-24/9, giá dầu đã phục hồi phần nào nhờ thông tin lượng dự trữ dầu thô và sản phẩm qua tinh chế của Mỹ đều giảm trong tuần trước. Tuy nhiên, những thông tin bất lợi khác như số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng trở lại và tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp vẫn kìm chân giá dầu đi lên.
Bên cạnh đó, lượng dầu thô đổ ra thị trường toàn cầu có thể còn gia tăng và đẩy giá dầu xuống thấp hơn nữa.
Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co cho biết số lượng giàn khoan dầu của Mỹ đã tăng thêm sáu giàn lên 261 giàn trong tuần tính đến ngày 25/9.
Libya gần đây đã tăng cường sản xuất dầu và Shell đã tạm thời đặt chiếc tàu chở dầu thô đầu tiên cập cảng Zueitina của nước này kể từ tháng Giêng.
Cùng với đó, dựa trên việc theo dõi các tàu chở dầu, giới quan sát nhận định xuất khẩu dầu của Iran đã tăng mạnh trong tháng Chín bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Giữa bối cảnh đó, Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent đạt 49 USD/thùng vào cuối năm 2020 và 65 USD/thùng vào quý III/2021, bất chấp những diễn biến bất ổn tại Libya. Trong khi đó, Barclays nâng triển vọng giá dầu Brent năm 2020 lên 43 USD/thùng và 53 USD/thùng vào năm sau./.
Nguồn tin: bnews.vn