Trong phiên giao dịch 7/3, giá dầu thế giới đi lên, nhờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Venezuela và Iran.
Điều chỉnh giá xăng dầu tại Karachi, Pakistan. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, đà tăng của giá mặt hàng bị kiềm chế bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu.
Chốt phiên này, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 44 xu (0,78%) lên 56,66 USD/thùng; còn giá dầu Brent tăng 31 xu (0,47%) lên 66,30 USD/thùng. Nhà phân tích Phil Flynn, thuộc Price Futures Group, tại Chicago (Mỹ), nhận định các nền tảng cơ bản trên thị trường dầu mỏ vẫn khá vững mạnh, song một số người vẫn tỏ ra quan ngại về tình trạng dư cung.
Theo các nhà giao dịch, những nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga nhằm cắt giảm sản lượng và thắt chặt thị trường đã hỗ trợ giá dầu. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cũng có tác động tích cực đến giá “vàng đen”. Hiện Washington đang gây sức ép buộc các chính phủ khác giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran xuống 0.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu áp lực do lo ngại về tình hình kinh tế châu Âu, khiến chứng khoán Phố Wall giảm điểm và “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay và năm 2020 do "những bất ổn" từ địa chính trị cho đến xung đột thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực. Cụ thể, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6% so với mức dự báo trước đó.
Nguồn tin: baotintuc.vn