Giá dầu thế giới giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất 12 tuần trong phiên 6/7, khi giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng nhu cầu năng lượng có thể bị tác động mạnh nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent giao tháng Chín giảm 2,08 USD, hay 2%, xuống 100,69 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 97 xu Mỹ, hay 1%, và đóng phiên ở mức 98,53 USD/thùng. Đây là mức khép phiên thấp nhất kể từ ngày 11/4 của cả hai loại dầu này.
Phiên này chứng kiến hoạt động giao dịch đầy biến động, khi cả dầu Brent và WTI trước đó đều có thời điểm tăng hơn 2 USD/thùng do những lo ngại về nguồn cung, nhưng sau đó lại giảm hơn 4 USD/thùng xuống các mức thấp nhất trong phiên.
Các chuyên gia của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và UBS cho biết giá dầu giảm do những lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho biết triển vọng của nền kinh tế toàn cầu đã “yếu đi đáng kể” từ tháng Tư, và bà không loại trừ khả năng xảy ra một đợt suy thoái kinh tế toàn cầu vào năm tới trước những nguy cơ ngày càng gia tăng.
Số vị trí công việc đang tuyển dụng tại Mỹ đã giảm ít hơn dự đoán trong tháng Năm, cho thấy thị trường lao động của nước này vẫn còn thắt chặt, từ đó có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục siết chặt chính sách để kiềm chế lạm phát.
Khi Fed được dự đoán sẽ tiếp tục nâng lãi suất, hợp đồng mở (open interest - tổng số hợp đồng mở vị thế mà chưa thanh lý hoặc chưa đến hạn giao đối với thị trường kỳ hạn hoặc/và thị trường quyền chọn với dầu WTI kỳ hạn đã giảm trong tuần trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016, do giới đầu tư rút khỏi các tài sản rủi ro.
Ông Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách các hợp đồng năng lượng tương lai của Mizuho, nhận định trên thị trường đang có những lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế. Cùng với đó, hợp đồng mở của dầu WTI đã giảm xuống mức thấp nhất nhiều năm qua, gây ra tình trạng thiếu thanh khoản trên thị trường “vàng đen”.
Bên cạnh đó, giá dầu còn chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên. Ngoài ra, tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, thị trường còn lo ngại rằng các biện pháp phòng dịch COVID-19 mới có thể làm giảm nhu cầu./.
Nguồn tin: Bnews