Đà tăng mạnh của giá dầu thời gian gần đây khiến áp lực lạm phát trên toàn cầu càng thêm lớn. Trong lúc thế giới chưa kịp mừng vì sự phục hồi kinh tế từ đại dịch Covid-19, sự leo thang của giá cả đã trở thành một mối lo, đặt các ngân hàng trung ương vào thế khó.
Các chỉ số lạm phát từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới đều khiến giới đầu tư lo ngại. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 13 năm. Tiếp đó, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) – một thước đo lạm phát mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ưa chuộng – tăng 3,1% trong tháng 4 so với cùng kỳ 2020, mạnh nhất từ năm 1992. Cả hai chỉ số này đều vượt xa mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra.
“Thị trường dầu hiện nay đang hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra ở thời điểm tháng 4/2020" - nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy.
Tại châu Âu, dù chưa “nóng” như ở Mỹ, các dấu hiệu lạm phát cũng ngày càng rõ nét. Lạm phát tháng 5 của khu vực 19 nước sử dụng đồng Euro đã tăng lên mức 2%, từ mức 1,6% trong tháng 4. Không chỉ cao nhất từ năm 2018, mức lạm phát này còn vượt qua mục tiêu “thấp hơn và gần 2%” mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Trong đó, giá năng lượng tại Eurozone trong tháng 5 tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các nền kinh tế hàng đầu của khu vực châu Á cũng bắt đầu cảm nhận áp lực gia tăng giá cả. Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 4 của Trung Quốc tăng 6,8%, mạnh nhất 3 năm rưỡi. CPI của Hàn Quốc tháng 5 tăng 2,6%, mức tăng mạnh nhất từ tháng 4/2012.
GIÁ DẦU “TIẾP LỬA” CHO SƯC ÉP LẠM PHÁT
Xu hướng leo thang của giá nguyên vật liệu thô toàn cầu được xem là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng áp lực lạm phát, đặc biệt tại những nền kinh tế đang có sự phục hồi nhanh như Mỹ và Trung Quốc. Ngoài cơn sốt giá thép, đồng, nông sản..., đà leo thang của giá dầu thô cũng đang “tiếp lửa” cho sức ép lạm phát.
Năm ngoái, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu, giá dầu thế giới đã tụt xuống dưới ngưỡng 0 lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng sau đó, giá “vàng đen” phục hồi nhanh nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh ngoài khối gồm Nga, và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu được cải thiện khi nền kinh tế toàn cầu dần hồi phục nhờ tiêm chủng và kích cầu.
Với đà tăng gần như liên tục, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York hiện đã đạt mức cao nhất 3 năm. Chốt phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, giá dầu WTI giao tháng 7 đạt 67,72 USD/thùng, mức giá đóng cửa cao nhất của loại dầu này kể từ tháng 6/2018. Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London cũng lên mức cao nhất 2 năm. Đóng cửa phiên ngày 1/6, giá dầu Brent giao tháng 8 đạt 70,25 USD/thùng, cao nhất từ tháng 5/2019. Theo dữ liệu từ Trading View, tính từ đầu năm, giá dầu WTI đã tăng gần 45%, trong khi giá dầu Brent tăng hơn 40%.
Giá dầu tăng đã phản ánh rõ rệt vào giá bán lẻ xăng ở Mỹ. Trong dịp lễ Memorial Day vừa qua, khi người dân nước này bắt đầu bước vào mùa cao điểm lái xe hàng năm trong những tháng hè, giá xăng tại Mỹ đã đạt mức cao nhất 7 năm. Dữ liệu từ AAA cho thấy giá bán lẻ xăng bình quân trên toàn quốc ở Mỹ đạt 3,05 USD/gallon, cao nhất từ năm 2014, so với mức 2,9 USD/gallon cách đây 1 tháng và 1,98 USD/gallon cách đây 1 năm.
Xu hướng tăng này của giá dầu diễn ra bất chấp Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nền kinh tế châu Á, trong đó có Ấn Độ - nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới; OPEC+ nới sản lượng khai thác dầu; và khả năng Iran được xuất khẩu dầu trở lại nếu nước này nhất trí được với các cường quốc về khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015.
Theo kế hoạch của OPEC+, từ tháng 5-7/2021, sản lượng dầu của liên minh này sẽ tăng thêm tổng cộng hơn 2 triệu thùng/ngày. Như vậy, trong vòng 1 năm trở lại đây, OPEC+ nới sản lượng khoảng 4 triệu thùng/ngày. Con số này chiếm một phần lớn trong mức cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày mà liên minh đưa ra vào đầu năm 2020 để ứng phó với đà lao dốc của giá dầu khi đại dịch mới xuất hiện.
Thắt chặt quá sớm trong lúc nền kinh tế còn chưa phục hồi hoàn chỉnh có thể sẽ gây chệch hướng tăng trưởng – một “cơn ác mộng” đối với cả các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính.
Việc OPEC+ vẫn quyết tâm nới sản lượng được xem là một dấu hiệu tin tưởng vào triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới và nhu cầu tiêu thụ dầu. Trong một báo cáo công bố hôm 31/5, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 và 2022 lên 5,8% và năm 2022 lên 4,4%, từ mức tương ứng 5,6% và 4% đưa ra trong lần dự báo gần đây nhất hồi tháng 3. Báo cáo hàng tháng mà OPEC đưa ra vào tháng 5 nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng 5,95 triệu thùng/ngày trong năm nay so với năm 2020, tương đương tăng 6,6%, lên mức 96,46 triệu thùng/ngày.
“Thị trường dầu hiện nay đang hoàn toàn trái ngược với những gì diễn ra ở thời điểm tháng 4/2020. Thay vì một cú sốc suy giảm nhu cầu, các nhà sản xuất giờ đây đối mặt với nhiệm vụ sản xuất đủ dầu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng”, nhà phân tích Louise Dickson thuộc Rystad Energy phát biểu.
THẾ KHÓ CỦA CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG
Nếu nguồn cung dầu không đủ đáp ứng nhu cầu, giá dầu tăng thêm, áp lực lạm phát sẽ càng lớn. Trong một kịch bản như vậy, điều mà giới đầu tư đang lo sợ sẽ trở thành hiện thực: các ngân hàng trung ương sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến.
“Nỗi lo chung ở đây là giá bán buôn và giá tiêu dùng tăng cao sẽ buộc các ngân hàng trung ương phải cắt giảm các biện pháp kích thích bằng tiền tệ, và rốt cục phải nâng lãi suất để ngăn nền kinh tế trở nên quá nóng”, nhà phân tích Tamas Varga thuộc PVM Oil nhận định. Tuy nhiên, thắt chặt quá sớm trong lúc nền kinh tế còn chưa phục hồi hoàn chỉnh có thể sẽ gây chệch hướng tăng trưởng – một “cơn ác mộng” đối với cả các nhà hoạch định chính sách và thị trường tài chính.
Trong cuộc họp vào tuần tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ phải quyết định có điều chỉnh chính sách tiền tệ hay không, bao gồm chương trình mua trái phiếu. Giống như Fed, các nhà hoạch định chính sách ECB vẫn cho rằng lạm phát tăng vọt gần đây chỉ là một hiện tượng tạm thời và giá cả sẽ dịu đi theo thời gian. Cả Fed và ECB đều nói điều này đồng nghĩa với chính sách tiền tệ vẫn cần duy trì nới lỏng.
Tuy nhiên, nếu giá cả tăng kéo dài, cả ECB và Fed sẽ đều ở trong một tình thế tiến thoái lưỡng nan, bởi hai nền kinh tế đều đang có chung một điểm yếu là thị trường lao động chưa thực sự hồi phục. Tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone trong tháng 5 đã giảm xuống mức 8% trong tháng 4, mức thấp nhất trong 9 tháng, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều ngưỡng 7% ở thời điểm đại dịch mới bắt đầu. Ở Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4 là 6,1%, thấp hơn nhiều so với mức 14,8% cùng kỳ năm 2020, nhưng còn cách xa mức 3,8% vào tháng 2/2020 – con số vào hàng thấp nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Dù sao, Fed cũng đã bắt đầu phát tín hiệu về việc thảo luận về cắt giảm chương trình mua tài sản 120 tỷ USD mỗi tháng, nhưng dự báo sẽ không nâng lãi suất trước năm 2024. Cựu Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông William Dudley, cho rằng Fed sẽ bắt đầu bàn về cắt giảm chương trình mua tài sản trước cuối năm nay.
Khác với ECB và Fed, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ở thời điểm này lại không lo về lạm phát hay tính chuyện điều chỉnh chính sách tiền tệ, vì PBoC cho rằng Trung Quốc đang đối mặt với những rủi ro cấp bách hơn. Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý 1 công bố hồi trung tuần tháng 5, PBoC tập trung nhấn mạnh rằng nền tảng cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc còn chưa vững chắc. “Tiêu dùng của người dân vẫn bị hạn chế và tăng trưởng đầu tư còn chưa đủ mức”, báo cáo viết. PBoC cũng nói rằng các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ ở Trung Quốc còn đối mặt nhiều khó khăn và đảm bảo công ăn việc làm vẫn là một thách thức lớn.
Nguồn tin: vnEconomy