Giá dầu hôm 11-10 chạm mốc cao kỷ lục trong nhiều năm do nhu cầu tăng đột biến trên toàn thế giới giữa lúc các nền kinh tế gỡ bỏ lệnh phong tỏa Covid-19.
Giá dầu Brent tăng thêm 1,26 USD, tương đương 1,5%, lên mốc 83,65 USD/thùng. Mức cao nhất trong phiên giao dịch 11-10 của Brent là 84,60 USD/thùng – cao chưa từng thấy kể từ tháng 10-2018.
Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng thêm 1,17 USD, tương đương 1,5%, lên mốc 80,52 USD/thùng, sau khi chạm mức cao kỷ lục kể từ cuối năm 2014 ở mốc 82,18 USD/thùng.
Tốc độ phục hồi kinh tế sau đại dịch đã thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng trong bối cảnh nguồn cung dầu bị chậm lại khi các nước sản xuất cắt giảm sản lượng vào thời điểm đại dịch bùng phát.
Một quan chức Mỹ hôm 11-10 khẳng định Nhà Trắng đến giờ vẫn duy trì lập trường rằng các nước sản xuất dầu mỏ cần "làm nhiều hơn". Cũng theo quan chức này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang theo dõi sát giá xăng dầu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu các nước sản xuất dầu mỏ gia tăng nguồn cung. Ảnh: Reuters
Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất bên ngoài (được gọi là OPEC+) quyết định giữ nguyên mức tăng sản lượng khai thác cho tháng 11 như thỏa thuận đã đạt được từ trước, thay vì gia tăng nguồn cung. Trong khuôn khổ của thỏa thuận đạt được hồi tháng 7, OPEC+ nhất trí sản xuất thêm 400.000 thùng/ngày để bù đắp cho mức cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng năm 2020, khi Covid-19 bùng phát.
Giá năng lượng đã tăng lên các mức kỷ lục trong những tuần gần đây, chủ yếu do tình trạng thiếu nguồn cung diện rộng ở châu Á, châu Âu và Mỹ.
Giá khí đốt tự nhiên tăng đột biến buộc các nhà máy phát điện chuyển sang sử dụng dầu. Giới phân tích ước tính việc chuyển đổi từ khí đốt tự nhiên sang dầu thô có thể thúc đẩy nhu cầu dầu thô thêm 250.000 – 750.000 thùng/ngày.
Tại Ấn Độ, một vài bang đang đối mặt với tình trạng mất điện diện rộng vì thiếu than đá. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các công ty khai thác than đẩy mạnh sản xuất giữa lúc giá điện tăng phi mã.
Nguồn tin: Người lao động