Trong phiên giao dịch 11/1, giá dầu thế giới chỉ biến động nhẹ sau khi tăng mạnh trong tuần trước, giữa bối cảnh chính sách đóng cửa trên khắp thế giới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm gia tăng mối quan ngại về nhu cầu nhiên liệu. Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá cũng gây sức ép đối với giá mặt hàng này.
Chốt phiên, giá dầu Brent giảm nhẹ 33 xu Mỹ xuống 55,66 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1 xu Mỹ lên 52,25 USD/thùng.
Nhà phân tích Eugen Weinberg của Commerzbank nhận định những lo ngại mới về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu, trước sự gia tăng các ca mắc COVID-19 mới và chính sách hạn chế đi lại tại nhiều nước cùng với sự mạnh lên của đồng bạc xanh đang gây áp lực lên thị trường dầu mỏ.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 7h30 sáng 12/1 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 91.277.721 ca mắc COVID-19. Bất chấp chính sách đóng cửa nghiêm ngặt, Anh vẫn đang đối mặt với những tuần tồi tệ nhất trong đại dịch COVID-19. Trong khi đó, ngày 10/1, Trung Quốc thông báo thêm 69 ca mắc COVID-19 mới, cao hơn gấp đôi con số 33 ca ghi nhận một ngày trước đó.
Phiên này, đồng USD mạnh hơn, nhờ những hy vọng gói kích thích sẽ được mở rộng hơn để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dầu thường được định giá bằng USD, do đó, sự mạnh lên của đồng tiền này khiến dầu đắt hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Dù vậy, Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent có thể tăng lên 65 USD/thùng vào mùa Hè năm 2021, nhờ chính sách cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia và diễn biến chính trị tại Mỹ.
Nguồn tin: TTXVN