Giá dầu thế giới ngày 12/10 tiếp tục giảm mạnh do giới đầu tư toàn cầu lo ngại cú sốc trên thị trường chứng khoán ngày 10/10 sẽ lan rộng, kéo tụt nhu cầu dầu.
Ảnh minh hoạ.
Theo ghi nhận của Petrotimes, đầu giờ ngày 12/10, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2018 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 70,98 USD/thùng, tăng 17 cent/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với đầu giờ ngày 11/10, giá dầu WTI giao tháng 12 đã giảm tới 1,3 USD/thùng. Như vậy, tính từ đầu giờ ngày 10/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2018 đã giảm tới 3,58 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 11/2018 đứng ở mức 71,08 USD/thùng, tăng 11 cent/thùng trong phiên nhưng giảm 1,34 USD/thùng so với đầu giờ ngày 11/10. Tính chung từ đầu giờ ngày 10/10, giá dầu WTI giao tháng 11/2018 giảm 3,63 USD/thùng.
Còn theo ghi nhận trên ifcmarketc, đầu giờ ngày 12/10, giá dầu WTI được giao dịch ở mức thấp nhất là 71,02 USD/thùng và cao nhất là 71,07 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu WTI đứng ở mức 70,88 USD/thùng, giảm 2,23%.
Với dầu brent, đầu giờ ngày 12/10, giá dầu brent được giao dịch ở mức thấp nhất là 80,23 USD/thùng và cao nhất là 80,29 USD/thùng. Đóng cửa phiên giao dịch trước, giá dầu brent đứng ở mức 80,29 USD/thùng, giảm 2,38%.
Giá dầu thế giới tiếp tục xu hướng giảm mạnh do tâm lý lo ngại cú sốc trên thị trường chứng khoán Mỹ đang lan rộng ra toàn bộ các thị trường có thể kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đêm qua, theo ghi nhận, thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm mạnh. Chỉ số công nghiệp Dow Jones bốc hơi thêm 500 điểm, nâng tổng cộng số điểm mất trong 2 phiên lên hơn 1.300 điểm; chỉ số tầm rộng S&P 500 giảm phiên thứ 6 liên tiếp, mất 5,1% trong 2 phiên gần nhất. Theo ước tính, chỉ trong 2 phiên giao dịch, hàng ngàn tỷ USD đã bốc hơi khỏi các thị trường chứng khoán và theo dự báo của giới chuyên gia, “cơn bão” khủng hoảng này có khả năng sẽ kéo dài khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dứng lại. Giới đầu tư cũng lo ngại về đà tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Diễn biến mới nhất, Tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh cho rằng người Mỹ "ngu ngốc" và khẳng định việc áp thuế đã khiến kinh tế Trung Quốc sụt giảm rất nhiều.
Trump tự hào rằng việc áp thuế đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã "gây ra tác động to lớn" đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. "Nền kinh tế của họ đã sụt giảm rất nhiều. Tôi có thêm nhiều thứ để làm nếu tôi muốn. Tôi không muốn làm điều đó nhưng họ phải đàm phán", Trump nói, nhấn mạnh thêm rằng Bắc Kinh phải cải thiện điều kiện thương mại cho các sản phẩm của Mỹ và chấm dứt hành vi đánh cắp tài sản trí tuệ.
Trong khi đó, thời gian gần đây, thị trường dầu mỏ liên tục đón nhận những thông tin lạc quan từ phía nguồn cung dầu.
Theo ông ông Khalid al-Falih, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, trong tháng 10/2018, Saudi Arabia sẽ nâgn mức sản lượng dầu lên 10,7 triệu thùng/ngày, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, tăng 200 ngàn thùng/ngày so với tháng 9/2018.
Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan thống kê CDU-TEK, Bộ Năng lượng Nga, trong tháng 9/2018, sản lượng khai thác dầu thô của Nga đã tăng cao, đạt mức kỷ lục là 11,356 triệu thùng/ngày. Mức tăng trưởng sản lượng này đạt được là do Nga đã kết thúc thời hạn cắt giảm sản lượng luân phiên theo thỏa thuận với OPEC. Trong tháng 9/2018, sản lượng dầu thô của OPEC cũng đã tăng thêm 30.000 thùng/ngày do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ Iran do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố dự trữ dầu thô nội địa Mỹ trong tuần kết thúc ngày 28/9/2018 tăng khoảng 8 triệu thùng. Đây là mức tăng dự trữ dầu thô nội địa Mỹ theo tuần lớn nhất tính từ đầu năm 2018 đến nay.
Nguồn tin:petrotimes.vn