Abu Dhabi quan tâm tới việc niêm yết công khai một phần công ty dầu khí quốc gia
Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất dự định sẽ niêm yết một phần công ty dầu mỏ quốc gia trên thị trường công khai để tạo ra nguồn thu nhập mới và có cách tiếp cận thị trường mới do giá dầu thấp. Công ty dầu quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đang xem xét việc IPO cho một phần nhỏ trong một số lĩnh vực kinh doanh dịch vụ của mình, theo CNBC.
Tuy vẫn còn chưa rõ công ty Abu Dhabi dự định niêm yết bao nhiêu, nhưng Giám đốc điều hành Sultan al-Jaber cho biết "ADNOC sẽ vẫn thuộc sở hữu hoàn toàn của chính phủ Abu Dhabi."
ADNOC đã và đang bàn bạc với các ngân hàng về việc niêm yết này, với các doanh nghiệp có lợi nhuận của công ty có thể sẽ được thả nổi, theo Reuters. Abu Dhabi có kế hoạch phát hành cổ phần trong hoạt động kinh doanh của mình trong năm nay.
ADNOC đang tìm kiếm "các sàn giao dịch lớn, các quỹ hưu trí quốc tế, các nhà đầu tư cổ phần tư nhân và các chuyên gia cơ sở hạ tầng toàn cầu chứ không chỉ là các công ty dầu mỏ quốc gia và quốc tế", tờ National, một tờ báo có trụ sở ở Abu Dhabi, đưa tin.
Jaber cho biết, đang trông chờ các nhà đầu tư mới hỗ trợ công ty trong việc tiếp cận thị trường với các sản phẩm của mình, đặc biệt là ở châu Á và một cách tiếp cận hợp tác đầu tư mới sẽ dẫn đến "mô hình hợp tác mở hơn".
Công ty vẫn sẽ là cổ đông lớn nhưng sẽ đưa cho "các đối tác chiến lược và hợp tác đầu tư thông qua các doanh nghiệp dịch vụ và lọc dầu của chúng tôi cũng như lựa chọn các tài sản cơ sở hạ tầng như các đường ống ADNOC và các kho tích trữ", ông nói.
Theo National, các khu vực tiềm năng cho quan hệ đối tác bao gồm việc phát triển và mở rộng một công ty khoan hàng đầu trong khu vực và một liên doanh cơ sở hạ tầng năng lượng mới cũng như các liên doanh hạ nguồn.
Jaber nói trong một bài phát biểu: "Việc chuyển hướng xu thế toàn cầu đang tạo ra một không gian năng lượng mới, nơi đòi hỏi các quy tắc mới về sự tham gia. Trong kỷ nguyên năng lượng mới này, chúng ta cần những chiến lược sáng tạo và mô hình kinh doanh linh hoạt hơn để nắm bắt sự tăng trưởng."
Nhà sản xuất lớn nhất của OPEC là Ả-rập Xê-út, cũng hy vọng sẽ tham gia vào thị trường công khai trong tương lai, với niềm tin sẽ huy động được 1 đến 2 nghìn tỷ USD cho Saudi Aramco. Không giống như việc chào bán được lên kế hoạch của ADNOC, Ả-rập Xê-út dự định chào bán cổ phần trong lĩnh vực kinh doanh chính và sẽ niêm yết trên thị trường quốc tế, trong khi U.A.E. có kế hoạch niêm yết ở trong nước.
Oman, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất không thuộc OPEC ở Trung Đông, cũng cho biết kế hoạch bán cổ phần trong một số công ty năng lượng hạ nguồn thuộc nhà nước ra công chúng, cùng với các nước láng giềng trong Vịnh Ba Tư trong việc tiếp cận thị trường công khai.
Giá dầu thấp đã buộc nhiều nước ở Trung Đông, vốn phụ thuộc vào thu nhập từ dầu thô xuất khẩu cho phần lớn ngân sách của họ, phải đào sâu vào các quỹ đầu tư tối cao của họ.
Với giá dầu thấp vẫn còn dai dẳng, nhiều nước bây giờ đang phải bán một số cổ phần trong các công ty dầu mỏ quốc doanh để tạo thu nhập. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thường thận trọng với việc bỏ tiền vào các công ty dầu mỏ quốc tế vì sợ rằng nhà nước sẽ sử dụng phần lớn vốn cổ phần của họ cho các mục đích chính trị hơn là mục tiêu kinh tế.
Khi các thành viên OPEC chào bán cổ phần thì mục tiêu không chỉ là một dòng tiền tức thời
Helima Croft, người đứng đầu toàn cầu về chiến lược hàng hóa tại RBC Capital Markets, nói: "Đối với các nước đang chào bán cổ phần, mục tiêu không chỉ là một dòng tiền tức thời. Nhiều nước trong số này hy vọng giảm bớt vai trò chi phối của dầu mỏ trong nền kinh tế của họ trong thập kỷ tới”.
"Đó là về sự đa dạng hóa," Croft nói. "Họ cần tiền dầu để xây dựng các phương tiện đầu tư đẳng cấp thế giới."
Nguồn tin: xangdau.net