Dù kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh song GAS vẫn là doanh nghiệp dẫn đầu ngành với doanh thu chiếm 53% và lợi nhuận sau thuế chiếm tới 72% tổng doanh thu và tổng lợi nhuận toàn ngành.
Trong 9 tháng năm 2016, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí không được khả quan, chủ yếu do giá dầu thế giới giảm mạnh từ cuối năm 2015 và duy trì mức thấp sang năm 2016.
Trong tổng số gần 20 doanh nghiệp dầu khí, có tới 12 doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm và có tới 17 doanh nghiệp có doanh thu giảm.
Dẫn đầu ngành dầu khí 9 tháng qua vẫn là Tổng công ty Khí Việt Nam - PV GAS (mã GAS) với doanh thu chiếm 53% và lợi nhuận sau thuế chiếm tới 72% tổng doanh thu và tổng lợi nhuận toàn ngành.
Tuy nhiên, so với 9 tháng năm 2015, kỳ này, doanh thu thuần của GAS đã giảm 8%, tương đương giảm hơn 3.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của GAS giảm mạnh tới 47% so cùng kỳ, còn 3.945 tỷ đồng.
Bên cạnh GAS, kết quả kinh doanh của 2 doanh nghiệp đầu ngành khác là Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (mã PVD) và Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí - PTSC (mã PVS) cũng suy giảm.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của PVD đạt 86 tỷ đồng, giảm tới 95% so với cùng kỳ 2015. Lợi nhuận của PVS cũng giảm 35% còn 816 tỷ đồng.
Cũng trong 9 tháng qua, có 3 doanh nghiệp dầu khí bị lỗ là CTCP Tập đoàn Dầu khí An Pha (mã ASP), CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (mã PVB), Tổng công ty Dung dịch Khoan và Hoá phẩm Dầu khí - Công ty Cổ phần (mã PVC).
Trong đó PVB có khoản lỗ lớn nhất ngành là 53 tỷ đồng. Nguyên nhân lỗ chủ yếu do công ty điều chỉnh hồi tố kết quả kinh doanh năm 2015. Năm 2015, công ty mới tạm ghi nhận doanh thu bọc ống theo giá trị hợp đồng. Khi thực hiện quyết toán khối lượng, kết quả thực hiện lại giảm so với khối lượng quy định trong hợp đồng, giá trị quyết toán do đó giảm. Luỹ kế 9 tháng đầu năm doanh thu của công ty chỉ đạt hơn 4 tỷ đồng và lỗ hơn 53 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước, PVB lãi gần 119 tỷ đồng.
Điểm sáng hiếm hoi trong kết quả kinh doanh 9 tháng qua là CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (mã PGS) khi đạt lợi nhuận ròng 237 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ 2015. CTCP Thương mại Hóc Môn (mã HTC) cũng góp mặt với doanh thu tăng 2% và lợi nhuận tăng tới 126% so cùng kỳ, lần lượt đạt 1.079 tỷ đồng và 61 tỷ đồng.
Xét theo quý, có tới 12 doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, trong đó, giảm mạnh nhất là PVB và PVC (lần lượt lỗ 38 tỷ đồng và 28 tỷ đồng).
Trong Top 3 doanh nghiệp đầu ngành là GAS, PVD và PVS, quý III/2016 cũng là quý đầu tiên lợi nhuận sau thuế của GAS đạt dưới 1.000 tỷ đồng, đạt 986,4 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của GAS kể từ khi niêm yết.
Lợi nhuận kỳ này của PVS cũng giảm 67%, còn 125 tỷ đồng, còn lợi nhuận của chỉ đạt vỏn vẹn 10 tỷ đồng, giảm tới 98% so cùng kỳ 2015.
Thống kê của SSI cho biết, kết quả kinh doanh quý III của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy bức tranh lợi nhuận chưa cải thiện. Tổng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của 672 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh trong 9 tháng 2016 đạt 74,1 nghìn tỷ đồng, giảm -7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, với 2 ngành Dầu khí (-73,7%) và Dịch vụ tài chính (-72,8%) có lợi nhuận sụt giảm mạnh nhất.
Nguồn tin: Bizlive